Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:25 (GMT +7)
Văn hóa đọc phát triển trong khuôn viên trường học
Thứ 6, 18/11/2022 | 07:37:14 [GMT +7] A A
Hiện nay, nhiều bạn trẻ phát triển văn hóa đọc dưới mô hình câu lạc bộ sách tại các trường học, đặc biệt là tại bậc đại học.
Tỷ lệ đọc ở Việt Nam những năm qua tăng nhẹ. Tại tọa đàm Văn hóa đọc và phát triển ngành Xuất bản trong tương lai, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, từng chia sẻ rằng tỷ lệ đọc của người Việt đã tăng 12% kể từ năm 2015.
Ở các trường, đặc biệt là bậc trung học phổ thông và bậc đại học, nhiều câu lạc bộ đọc sách đã ra đời. Bạn Nguyễn Hoài Linh (sinh năm 2000) là người đã lập ra câu lạc bộ sách tại Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vào thời điểm thành lập câu lạc bộ sách, Nguyễn Hoài Linh đã không nghĩ có nhiều sinh viên muốn tham gia và hưởng ứng các hoạt động của câu lạc bộ sách. Thực tế cho thấy Linh đã lầm.
Câu lạc bộ sách ra đời, đáp ứng nhu cầu chia sẻ văn hóa đọc của nhiều bạn trẻ, nhận được sự hưởng ứng từ nhiều sinh viên, được nhà trường ủng hộ.
Sự ủng hộ từ nhà trường
Năm 2019, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) tổ chức cuộc thi viết review sách nhằm lan tỏa văn hóa đọc. Bạn Nguyễn Hoài Linh đã giành giải nhất. Sau khi nhận giải, bạn có dịp trò chuyện với thầy Khoa Anh Việt, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông và học liệu, người luôn hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động ngoại khóa. Trong đó, Nguyễn Hoài Linh đã trình bày ý tưởng về một nhóm đọc sách hay câu lạc bộ đọc sách và được thầy ủng hộ.
Bẵng đi tới năm 2021, trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, thầy Việt lại động viên Hoài Linh “kích hoạt” câu lạc bộ sách, xây dựng một cộng đồng trực tuyến để giúp kết nối sinh viên trong thời gian giãn cách. Đến lúc này, Nguyễn Hoài Linh mới vững tin và đủ động lực để lên kế hoạch xây dựng một cộng đồng tổ chức những hoạt động khuyến đọc.
Hoài Linh chia sẻ: “Để có được những người đồng hành nhiệt huyết và chất lượng nhất, mình đã chủ động liên hệ với các bạn sinh viên từng tham gia thi Book Review ngày ấy với mình, và cả các bạn là diễn giả trong hoạt động ULIS Book Review hàng tuần xuyên suốt năm học 2020-2021”.
Linh cùng các bạn thành lập một nhóm nhỏ, lấy tên là ULIS Bookworm, tổ chức một vài hoạt động đọc sách, review sách, đăng tải những nội dung liên quan đến sách (review, mẹo đọc sách hiệu quả, giới thiệu sách, chia sẻ nguồn học liệu…) lên mạng xã hội.
Sau một thời gian, nhóm đọc sách nhận được sự quan tâm và tin tưởng từ sinh viên, các thầy cô trong trường. Linh cùng các bạn liền gửi đề án thành lập câu lạc bộ lên ban lãnh đạo nhà trường cùng Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên. Đề án được chấp nhận, ULIS Reading Club chính thức đi vào hoạt động ngày 9/1.
Những năm gần đây, các trường tỏ rõ sự quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc, nhiều hoạt động như phiên chợ sách, tọa đàm giao lưu với tác giả, thi viết review được ban giám hiệu chủ động đề xuất triển khai. Từ những hoạt động này, sinh viên đã được tiếp nguồn động lực để tự mình tổ chức các hoạt động khác, lan tỏa văn hóa đọc.
Hoài Linh cho biết với tinh thần ấy, nhà trường luôn ủng hộ các hoạt động của câu lạc bộ sách. “Mỗi khi chúng mình xin phép tổ chức một hoạt động nào đó về sách với kế hoạch được trình lên, nhà trường cũng tạo điều kiện hết mức để hoạt động của chúng mình được tổ chức thành công”, Linh chia sẻ.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Người sáng lập ULIS Reading Club cho biết bạn bất ngờ nhận ra có nhiều sinh viên mong chờ một câu lạc bộ sách ra đời trong trường. ULIS Reading Club nhận được nhiều sự hưởng ứng và đến nay, fanpage của câu lạc bộ đã nhận được 1,8 nghìn lượt thích và 2 nghìn lượt theo dõi.
Nguyễn Hoài Linh thừa nhận rằng “độ phủ sóng” của câu lạc bộ sách chưa thể sánh bằng những cái tên gạo cội và nhiều năm hoạt động khác, tuy nhiên, Linh tỏ rõ niềm tin rằng câu lạc bộ sẽ phát triển mạnh mẽ và để lại dấu ấn trong môi trường hoạt động ngoại khóa năng động.
Chia sẻ về những hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, Nguyễn Hoài Linh tự hào kể về hoạt động review sách hàng tháng, hoạt động tặng sách, trao đổi sách giữa các sinh viên và cả giáo viên, những chương trình tọa đàm như “Đừng để sách chết trên giá” hồi tháng 5 hay “Chia sẻ kinh nghiệm dự thi Đại sứ Văn hóa Đọc” hồi tháng 6. Ngoài ra, cuộc thi “Góc sách 2022” đã tạo điều kiện cho các sinh viên chia sẻ tủ sách hay, không gian đọc sách của mình tới cộng đồng.
“Bên cạnh đó, ULIS Reading Club cũng hết mình hỗ trợ triển khai các hoạt động khuyến đọc được giao phó từ Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên cũng như bộ phận Học liệu của Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông và Học liệu”, Linh nói thêm.
Đến giờ, câu lạc bộ vừa trải qua đợt tuyển quân cho năm học mới và chào đón thêm gần 20 thành viên. Đặc biệt, trong số thành viên mới có cả sinh viên từ trường ngoài. Điều này cho thấy các hoạt động của câu lạc bộ sách có sức lan tỏa lớn và không chỉ gói gọn trong một trường nhất định.
Rải rác khắp địa bàn thành phố, còn nhiều câu lạc bộ sách năng nổ khác như Câu lạc bộ Yêu sách Bách Khoa của Đại học Bách khoa Hà Nội, hoặc các tổ chức như CVA Reading Station của Trường THPT Chu Văn An. Riêng ở Khối Đại học Quốc gia thì có một số CLB "hàng xóm" với ULIS Reading Club như Câu lạc bộ Sách và Hành động khoa Luật, Câu lạc bộ Sách Đại học Giáo dục...
Nhiều câu lạc bộ sách thu hút đến hàng nghìn, hàng chục nghìn lượt like và theo dõi trên các nền tảng xã hội, tổ chức nhiều hoạt động hay và bổ ích, cho thấy mặt tích cực mà không nhiều người thuộc thế hệ trước nhận thấy ở giới trẻ hiện nay. Việc câu lạc bộ sách ra đời tạo môi trường cho những bạn trẻ yêu sách được giao lưu, kết bạn với người có cùng sở thích.
Chia sẻ với PV, một thành viên của ULIS Reading Club cho biết nếu không có câu lạc bộ sách, trường học cũng tạo điều kiện và tổ chức nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, tuy nhiên, câu lạc bộ sách giúp kết nối các "mọt sách" với nhau và trong bối cảnh xã hội hậu đại dịch, việc kết nối là đặc biệt quan trọng.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()