Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:30 (GMT +7)
Văn hóa - Con người làng đảo Hà Nam
Thứ 7, 05/02/2022 | 09:01:38 [GMT +7] A A
Làng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) là vùng đất giao thoa văn hóa của những người gốc kinh thành Thăng Long đi mở đất với văn hóa miền cửa biển Bạch Đằng.
Làng đảo Hà Nam bây giờ có 8 xã, phường. Còn tổng Hà Nam xưa, theo thư tịch cổ ghi lại có 7 xã: Hải Yến, Hưng Học, Lưu Khê, Phong Lưu (gồm các thôn Cẩm La, Phong Cốc, Trung Bản, Yên Đông), Quỳnh Biểu, Vị Dương, Vị Khê. Những địa danh này hiện nay còn ở Hà Nam, chỉ khác về sự thay đổi địa giới hành chính.
Sự tích làng đảo bắt đầu từ việc tiền nhân phát hiện ra mạch nước ngọt tự nhiên. Tương truyền vào năm 1434, vâng chiếu vua Lê, từ kinh thành, 17 người rủ nhau xuôi thuyền về phía Bạch Đằng lập nghiệp. Đêm mưa, chợt nghe tiếng ếch kêu, họ dừng thuyền. Mọi người vạch cỏ lau gặp một vũng nước sâu. Vục tay xuống nước uống thử, thấy ngọt chẳng kém gì nước mưa. Cả đoàn mừng reo sung sướng. Trên gò đất, mạch nước vẫn ứa ra, vũng nước cạn lại đầy. Mọi người càng lấy làm lạ. Họ bàn nhau và quyết định ở lại đây tìm kế sinh sống lâu dài.
Vũng nước được đào rộng ra, sâu thêm thành hồ. Hồ được đắp bờ cao giữ gìn nguồn nước mạch quý hiếm. Hồ ấy gọi là hồ Mạch, mạch nước ngọt quý giá cũng là mạch nguồn văn hóa của vùng làng đảo Hà Nam này. Cuối năm 2021, Bộ VH,TT&DL có Quyết định xếp hạng quốc gia đối với di tích Hồ Mạch (phường Yên Hải, TX Quảng Yên) như một sự ghi nhận, tri ân công đức những người đi mở cõi.
Người Hà Nam luôn tri ân tiên tổ đã phải đổ bao mồ hôi xương máu giữ đất, nên họ yêu quý từng tấc đất ruộng đồng. Những hương ước và khoán lệ ở Hà Nam đề cao việc quai đê lấn biển và bảo vệ làng xã. Tội về đất đai bị xử lý rất nặng. Những phần địa bạ cổ sưu tầm được ở nơi này ghi rất rõ số ruộng của từng xã và số thuế phải nộp cho quốc gia. Phần kết của mỗi cuốn địa bạ đều có cam đoan, ký tên đóng dấu của quan chức địa phương, nếu làm sai sẽ bị tịch thu gia sản và bị tội chết.
Người Hà Nam cũng sẵn sàng hy sinh để chống phỉ, chống giặc ngoại xâm, chống cướp bóc để giữ đất. Hầu hết các xã của tổng Hà Nam có các khoán lệ quy định việc bảo vệ làng xã, mùa màng, đặc biệt là chống lại bọn phỉ vào cướp phá. Khoán lệ xã Hưng Học, tổng Hà Nam viết: "Bản xã giao ước hễ bọn phỉ xông vào, bất kể ngày hay đêm, nghe thấy trống hiệu, những ai từ 60 tuổi trở lên đều cầm khí giới phòng thủ trong làng. Những người từ 18 tuổi đến 60 tuổi đều cầm khí giới đồng tâm đánh phỉ. Nếu người nào trì hoãn, chậm trễ thì bị phạt 30 roi… Khi giao tranh với giặc, người nào dũng cảm xông lên bắt được một tên phỉ thì được thưởng 6 quan tiền… người nào bị thương nhẹ thì cấp cho 6 quan tiền để chữa trị, bị thương nặng thì cấp cho 10 quan tiền để chữa trị. Người nào không may tử trận thì bản xã cấp cho 30 quan tiền để làm mai táng phí và con của người đó được làm nhiêu suốt đời (miễn trừ phu dịch suốt đời). Người nào chưa có con thì anh hoặc em ruột được hưởng để biểu dương người có công lao". Bên cạnh việc từng làng lập khoán lệ riêng, thì toàn bộ các làng trong tổng còn có khoán lệ chung để cùng đoàn kết tương trợ khi bị giặc cướp. Toàn thể quan viên hương lão, lý dịch, tráng đinh tổng Hà Nam, huyện Yên Hưng lập khoán lệ chung chống phỉ.
Truyền thống đánh giặc giữ đất quê hương của người Hà Nam xuất phát từ vị trí địa lý án ngữ cửa Bạch Đằng, nơi thủy quân phương Bắc nhiều lần tìm đường vào kinh thành Thăng Long. Người Hà Nam xưa sống hòa đồng với thiên nhiên sông nước, nên đã rất khéo léo vận dụng chính con nước, thế đất cha ông để đánh giặc. Những người thợ thủ công ở đất này đã sáng tạo ra con thuyền độc nhất vô nhị là thuyền cánh dơi ba vách ngược nước, ngược gió.
Khi người lái thuyền gò sát dây lèo buồm sau, ở phía lái vào một bên mạn thuyền cho buồm căng lên hơi chéo góc hướng về cánh buồm phía trước đã được thả hơi chùng. Gió đập vào cánh buồm sau vốn rất căng nên bật lại đập ngược về cánh buồm trước tạo thành sức đẩy con thuyền tiến lên. Con thuyền sẽ chạy vát nghiêng về bên không có gió, tiến lên theo đường chữ “chi”.
Ở Trung Hoa trước kia, thuyền buồm muốn đi ngược nước, ngược gió phải dùng sức của rất nhiều người chèo hoặc lên bờ dùng dây mà kéo. Bởi vậy, họ không thể tưởng tượng được một con thuyền gỗ ba vách buồm cánh dơi, nhỏ nhẹ, nhanh nhẹn, cơ động lại có thể đi ngược gió. Nghệ nhân Ưu tú Lê Đức Chắn ở phường Phong Hải (TX Quảng Yên) là truyền nhân đời thứ 17 của nghề đóng tàu, thuyền truyền thống ở làng đảo Hà Nam bên sông Bạch Đằng, suy đoán rằng, cha ông ta đã nhử giặc chạy vào thế trận. Sau đó thuyền ta thì cứ ngược nước, ngược gió mà chạy. Trong khi tàu giặc loay hoay xuôi chẳng được, ngược nước ngược gió lại không xong thì cha ông ta phản kích trên bãi cọc cắm sẵn.
Sách vở gần như chẳng có dòng nào ghi việc cha ông ta thắng giặc trên sông Bạch Đằng bằng chiến thuyền nào. Nhưng chuyện này còn ghi trong bia đá và quan trọng hơn là trong tâm thức những nghệ nhân đóng thuyền. Mô hình chiến thuyền đó vẫn còn vài ba chiếc trên bàn thờ nhà ông Chắn.
Trong văn hóa làng đảo Hà Nam có một đặc điểm riêng có của Quảng Ninh là việc tôn thờ các vị Tiên Công, những người đi trước tới vùng đất mới, khai hoang lập làng. Các vị ấy xứng đáng là Thành hoàng của làng được phụng sự như các thiên thần và nhân thần khác. Tại xã Cẩm La có đền thờ 19 vị Tiên Công. Nhiều nhà thờ các dòng họ tổng Hà Nam cũng thờ các vị Tiên Công.
Ở Hà Nam có một lễ hội rước người sống độc nhất vô nhị chính là lễ hội Tiên Công. Điều này đã được thư tịch cổ ghi lại: “Xã Vị Dương, tổng Hà Nam có tục hàng năm từ tháng Giêng đến tháng 6, những nhà có cha mẹ còn sống chọn ngày tốt làm cỗ bàn để mời, thường cũng mời cả thầy học cùng dự”.
Từ trước Tết Nguyên đán, xóm làng đi sắm lễ, chuẩn bị phông bạt, đèn nến, đặt hoa, thuê kiệu. Mùng 5 tháng Giêng, đoàn tế tiến vào dâng hương miếu Tiên Công cũng là lúc làng quê mở hội. Chiều mùng 6, những gia đình có cụ Thượng tổ chức lễ mừng thọ gọi là “Tân xuân khánh thọ”.
Sáng mùng 7 mới thật rõ cái không khí “lễ hội đường làng” khi các đoàn rước về miếu Tiên Công. Theo sau là đội nữ tân rước cờ, rước bát biểu, đồ tế khí cổ, đội các mâm lễ vật đủ sắc màu, gồm hoa quả, trầu cau, bánh dày, bánh dẻo, rượu hồng, thủ lợn. Rồi đến phường nhạc bát âm, đoàn con cháu cầm hoa, mang lọng, khiêng võng rước cụ Thượng lên miếu. Các cụ Thượng nghiêm trang bước vào miếu đường bái lạy Tiên Công. Mỗi đoàn rước vào miếu, ông chủ tế trịnh trọng đọc bài văn tế tạ ơn công đức 17 vị Tiên Công, cầu nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an. Sau phần lễ, đến phần hội. Trên khoảng đất rộng bên miếu, người làng đến hát đúm, chơi đu, đánh bóng chuyền, tổ tôm, chơi chọi gà rất sôi nổi. Hai cụ Thượng khỏe nhất được bố trí chơi trò đấu vật, rồi xẻ đất đắp vào nền miếu tái hiện tập tục quai đê lấn biển.
Là cháu con của những Tiên Công xuôi thuyền lênh đênh trên sông nước xưa kia, nên người Hà Nam tuy kiệm cần, coi trọng học hành khoa bảng, nhưng theo thư tịch cổ, họ cũng ít nhiều mang nét tính cách phiêu lãng. Những người mở mang đất đai nơi đầu sông, cửa biển đối diện với sóng gió, cướp bóc và giặc giã, nếu không biết sáng tạo thì vùng làng đảo không thể có được một cơ ngơi như ngày hôm nay. Bởi thế, có người ví von rằng: Vùng đất Quảng Yên không khác gì một cái nậm rượu khổng lồ. Cái nậm rượu ấy, cổ thắt của nó là dòng sông Chanh; buộc lại giữa bầu nậm là phường Quảng Yên cùng các làng xã khu Hà Bắc; chót mũi Đầm Bầu là cái miệng nậm dúi xuống muốn vục đầy nước biển Đông - một thứ rượu mặn mòi muôn thuở nuôi sống bao thế hệ cư dân.
Tôi đi trên con đê chống lũ của đảo Hà Nam. Con đê ôm lấy làng đảo, con đê mà 19 vị Tiên Công đã đắp những viên đất đầu tiên vào thế kỷ thứ XV. Nhờ có bàn tay, khối óc, mồ hôi và cả xương máu của các vị Tiên Công, những cư dân kinh thành Thăng Long xưa đi quai đê lấn biển, mới có làng đảo Hà Nam trù phú như ngày hôm nay.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()