Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:10 (GMT +7)
Vân Đồn: Tập trung phát triển nông nghiệp bền vững
Thứ 3, 21/12/2021 | 15:00:29 [GMT +7] A A
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Vân Đồn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như xây dựng các mô hình hợp lý theo hướng sản xuất hàng hoá, khuyến khích người dân phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương... Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Xã Vạn Yên là vùng trồng cam chủ yếu của Vân Đồn, vụ cam năm 2021, xã trồng 200ha, với 100 hộ trồng. Xác định đây là ngành nghề mũi nhọn chính, xã đã vận động bà con canh tác, đảm bảo chất lượng, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá và phát huy mạnh mẽ việc liên kết tiêu thụ, nhất là việc thành lập các nhóm bán hàng và bán hàng online. Theo ước tính sơ bộ, sản lượng thu hoạch cam năm nay của xã đạt khoảng 300 tấn các loại.
Do mỗi năm chỉ có một vụ và thu hoạch vào dịp cuối năm, nên cam Vạn Yên thường chỉ tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận. Vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ khá chậm. Trước khó khăn này, thời gian qua, các chủ vườn thường mở cửa đón du khách đến tham quan và mua cam tại vườn. Với hình thức du lịch sinh thái mới lạ, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, dã ngoại, chụp ảnh lưu niệm thu hút nhiều khách du lịch.
Để phục vụ nhu cầu của du khách, hiện nay, nhiều chủ vườn cũng đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ ngơi, ăn uống để sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tổ chức thêm các hoạt động vui chơi ngoài trời, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương ngay tại vườn.
Ông Trần Văn Hậu - một chủ vườn cam tại Vạn Yên, cho biết: Gia đình tôi có 10ha trồng 6.000 cây cam. Thời gian qua, việc mở cửa vườn để đón khách du lịch đến tham quan đã mang lại những hiệu quả rất thực tế, vừa đảm bảo tiêu thụ cam, lại vừa quảng bá được thương hiệu cho cam Vạn Yên. Mỗi ngày vườn nhà tôi đón gần 1.000 khách tới tham quan, chụp ảnh và mua cam mang về.
Cùng với cây cam, phát huy lợi thế vùng biển đảo, những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng được người dân đầu tư bài bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn huyện có trên 3.300ha nuôi trồng thủy sản, với 1.250 hộ, doanh nghiệp tham gia nuôi. Trong đó, phần lớn diện tích là nuôi các loại nhuyễn thể (2.400ha) như ngao, hàu, tập trung nhiều tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Đông Xá, Ngọc Vừng, Quan Lạn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có khoảng 4.700 ô lồng nuôi cá biển, chủ yếu nuôi các loại cá song, hồng, giò, tại các xã: Bản Sen, Hạ Long, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng; nuôi tôm duy trì ổn định với 150ha.
Để nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đã tập trung chuyển hình thức nuôi quảng canh, chủ yếu dựa vào điều kiện và nguồn thức ăn tự nhiên sang bán thâm canh với các yếu tố kỹ thuật như cải tạo khu vực nuôi, quản lý quá trình nuôi... Có thể kể đến như nuôi dây treo, khay treo, lồng treo áp dụng với hàu, tu hài, ngao hoa... Mô hình này, đang phát triển mạnh ở hầu hết các xã đảo, ven biển của Vân Đồn. Nhờ phát huy tiềm năng, thế mạnh trong đánh bắt, nuôi trồng, lượng thủy sản của huyện có xu hướng tăng qua các năm. Hiện Vân Đồn được đánh giá là trung tâm nuôi hàu Thái Bình Dương lớn nhất toàn quốc, với sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản toàn huyện đạt trên 86.000 tấn, tăng 8,1% so với năm 2020.
Theo ông Từ Tú Dương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn: Để phát triển ngành Nông nghiệp trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả, thời gian qua, huyện Vân Đồn đã tập trung phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với lợi thế tự nhiên. Trong đó, các vùng trồng trọt tập trung, như: Cam tại các xã Bản Sen, Vạn Yên, nhân rộng diện tích sản xuất tại Đài Xuyên, Đoàn Kết, Bình Dân với tổng diện tích 450-500ha; trồng đào tập trung ở xã Hạ Long, nhân rộng diện tích sản xuất tại Đài Xuyên, Đoàn Kết, Bình Dân, Vạn Yên, phấn đấu mở rộng diện tích hằng năm từ 10-15ha; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên 3.000ha ở các xã Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Bản Sen, Hạ Long. Có thể thấy, những kết quả bước đầu về phát triển vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện Vân Đồn tạo bước đột phá trong nông nghiệp của huyện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần cải thiện đời sống của nông dân theo hướng làm giàu bền vững.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()