Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 02:38 (GMT +7)
Vân Đồn sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS
Thứ 2, 27/06/2022 | 11:19:01 [GMT +7] A A
Được coi như trung tâm phao xốp của tỉnh, sau 2 năm hiện thực hóa quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), cấp ủy, chính quyền huyện Vân Đồn đã vào cuộc rất quyết liệt để chỉ đạo và triển khai thay thế phao xốp bằng phao nổi đạt các tiêu chuẩn tương đương vật liệu HDPE. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn Đào Văn Vũ.
- Là địa phương có số lượng phao xốp lớn nhất tỉnh, tuy nhiên Vân Đồn mới chỉ thực hiện thay thế bằng phao nhựa HDPE đạt khoảng 1/3 tổng số phao cần thay thế trong năm nay. Ông lý giải gì về vấn đề này?
+ Chúng tôi xác định Vân Đồn là một trong những địa phương trọng điểm về NTTS. Tính đến ngày 1/1/2022, Vân Đồn còn 33.450ha NTTS, với con số xấp xỉ 5 triệu quả phao xốp.
Do đó, để thực hiện công tác chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành một nghị quyết chuyên đề, UBND huyện cũng đã ban hành một kế hoạch hết sức cụ thể để triển khai công tác này. Các xã, thị trấn, các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội cũng vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp để làm tốt công tác truyền thông, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Mặt khác, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm những điểm nuôi trồng trái phép không đúng quy hoạch, lấn chiếm luồng lạch giao thông đường thủy nội địa.
Chúng tôi đặt ra mục tiêu mỗi tháng phải chuyển đổi thành công khoảng 10%, nếu không thì tự cắt giảm diện tích nuôi trồng 10% mỗi tháng. Cho đến thời điểm hiện tại, cùng với những giải pháp hết sức tích cực, Vân Đồn đã chuyển đổi được 808.000 quả phao; cắt giảm được trên 1.600ha nuôi trồng. Vì vậy, với kết quả trên, Vân Đồn đã đạt khoảng 30% so với số lượng vật liệu cần chuyển đổi.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định rằng số phao cần phải chuyển đổi còn rất nhiều, liên quan đến những khu vực người dân đang tổ chức nuôi mà chưa có điều kiện chuyển đổi. Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn của Vân Đồn trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tỷ lệ giao diện tích mặt nước để NTTS và việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ trong NTTS của người dân trên địa bàn có gặp khó khăn gì và việc xử lý phao xốp sau khi thay thế sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
+ Hiện tại, chúng tôi đang tập trung rà soát theo Luật Thủy sản về việc giao mặt nước NTTS. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị 323/CT-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh về công tác quản lý đất đai trên địa bàn Vân Đồn, từ năm 2017 đến hết năm 2020, huyện phải tạm dừng giao đất mặt nước để NTTS cho người dân. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ chưa kịp thời. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung rà soát, tích hợp vùng nuôi vào quy hoạch chung của tỉnh.
Về vấn đề chuyển đổi phao xốp, toàn tỉnh hiện có 9 đơn vị cung ứng phao nhựa HDPE, chúng tôi đã có chỉ đạo triển khai rất cụ thể, quy định rất rõ về trách nhiệm của từng ngành, từng phòng, ban về việc tập kết, xử lý phao xốp sau khi thu gom. Theo đó, yêu cầu mỗi địa phương phải bố trí một khu vực tập kết tạm để xử lý, tránh để trôi nổi trên biển gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cung cấp phao nhựa HDPE cũng có đề xuất giải pháp hỗ trợ thu gom, chuyển về đất liền phao xốp đã được thay thế. Chúng tôi đã giao cho các phòng, ban thẩm định phương án này để triển khai một cách hiệu quả, thực chất.
- Huyện Vân Đồn có những giải pháp như thế nào để hoàn thành mục tiêu về số lượng mà tỉnh đã đặt ra cho địa phương, thưa ông?
+ Khi tổ chức triển khai chuyển đổi phao xốp, với các doanh nghiệp đã công bố hợp quy, chúng tôi đều yêu cầu rất rõ là phải trình diễn mô hình, bằng cách nuôi trồng thực tế, để khẳng định sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu của vùng biển Vân Đồn hay không. Đồng thời, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được đánh giá bằng các yếu tố như: Chất lượng phao HDPE được khẳng định bằng hệ thống kiểm soát, kiểm định chất lượng, để tránh hàng nhái, hàng giả; giá cả hợp lý; chế độ bảo trì, bảo hành sau khi sản phẩm được chuyển cho người dân và có trách nhiệm thay thế nếu sản phẩm gặp sự cố; hỗ trợ chuyển đổi phao xốp về đất liền sau thay thế...
Chúng tôi khẳng định số phao thay thế của Vân Đồn là con số thực tiễn. Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng người dân sử dụng phao trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đây là thách thức trong công tác quản lý, bởi thực tế, người dân thấy rẻ hơn thì mua. Trong khi đó, vấn đề chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp được công bố hợp quy đưa ra đã thực sự đảm bảo như cam kết hay chưa; vấn đề quản lý hàng giả, hàng nhái thế nào cũng là bài toán trách nhiệm chung mà các sở, ngành phải vào cuộc.
Quan điểm của người dân Vân Đồn là hoàn toàn đồng tình với chỉ đạo của tỉnh, của huyện về bảo vệ môi trường trong NTTS. Tuy nhiên, quy chuẩn hợp quy được công bố trong thời điểm ngay sau khi người dân vừa trải qua tác động của dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, khi đầu tư NTTS, phần lớn người dân phải vay vốn ngân hàng, vì vậy, việc tiếp cận nguồn vốn khác của ngân hàng để đầu tư chuyển đổi phao xốp cũng trở thành thách thức. Đó chính là thực tiễn phải quan tâm tháo gỡ.
Cuối cùng, để có chiến lược lâu dài, chắc chắn phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các ngành, trong đó có ngành TN&MT. Có như vậy mới có thể thực hiện quyết liệt, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS vì môi trường bền vững trên vùng biển Quảng Ninh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()