Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:36 (GMT +7)
Vân Đồn: Phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản bền vững
Thứ 2, 27/05/2024 | 16:15:33 [GMT +7] A A
Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh, tại huyện Vân Đồn, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này đã được tăng cường. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện không còn phát sinh mới những trường hợp nuôi thủy sản trái phép; việc xử lý và chuyển đổi vật liệu nuôi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE đã được quyết liệt triển khai đạt kết quả khả quan.
Để thực hiện công tác quản lý nuôi trồng thuỷ sản và thực hiện giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân theo quy định, trong năm 2023, UBND huyện Vân Đồn đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh rà soát, tích hợp các khu vực biển có tiềm năng nuôi biển trên địa bàn vào Quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với diện tích 28.800ha gồm 91 khu vực biển. Trên cơ sở diện tích được tích hợp vào Quy hoạch chung, huyện Vân Đồn đã phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đã được phê duyệt chính là cơ sở để huyện sắp xếp các vùng nuôi, lựa chọn khu vực có lợi thế cho từng đối tượng nuôi chủ lực và là căn cứ để thực hiện giao mặt nước cho các tổ chức và cá nhân nuôi biển trên địa bàn.
Đến nay, UBND huyện Vân Đồn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, trong đó đã phát 1.200 tờ rơi đến 9 xã, thị trấn có hoạt động nuôi biển, với khoảng 1.260 lượt người tiếp cận. Huyện đã tổ chức 9 hội nghị để trao đổi, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức và triển khai hướng dẫn, trình tự thủ tục hồ sơ theo Hướng dẫn 3325 ngày 25/7/2023 của liên Sở NN&PTNT và TN&MT. Trên địa bàn huyện đã có 78 hợp tác xã đăng ký hoạt động nuôi trồng thuỷ sản với 1.006 thành viên, hiện đã có 41 hợp tác xã thực hiện đo trích lục, lập dự án phát triển sản xuất để thực hiện các thủ tục đề nghị giao khu vực biển.
Đối với chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Vân Đồn đã tổ chức 15 đợt cao điểm ra quân, với số phương tiện huy động tham gia trên 300 lượt tàu thu gom phao xốp chở về nơi tập kết. Số lượng người tham gia khoảng 3.000 lượt người. Trên địa bàn huyện đã cơ bản xử lý và thay thế trên 5,1 triệu quả phao xốp, trong đó các doanh nghiệp và người dân nuôi trồng thuỷ sản đã chuyển đổi được trên 3 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE đạt quy chuẩn trong nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn. Đến thời điểm này, toàn huyện không còn phát sinh mới những trường hợp nuôi thủy sản sử dụng phao xốp.
Anh Đinh Văn Khang, hộ nuôi thủy sản ở khu vực Cống Lão Vọng, huyện Vân Đồn, cho biết: Thực hiện quy định chuyển đổi vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh và địa phương, gia đình tôi đã thay hết toàn bộ phao xốp trong nuôi cá lồng bè sang phi nhựa. Không chỉ riêng gia đình tôi mà những hộ nuôi thủy sản xung quanh đây cũng nhận thấy, đây là chủ trương phù hợp và chúng tôi thực hiện nghiêm túc.
Tại nhiều khu vực biển trên địa bàn huyện Vân Đồn, mặt biển đã được thông thoáng hơn. Môi trường biển sạch sẽ, hoạt động nuôi trồng thủy sản của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đi vào nền nếp, theo đúng quy hoạch. Toàn huyện không còn phát sinh những trường hợp nuôi biển trái phép ngoài quy hoạch.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi phao xốp, hiện vẫn còn một số ít các hộ dân chưa xử lý triệt để, còn để phao xốp trôi nổi trên biển, trên các ghềnh đá, bãi biển làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường trên biển. Huyện Vân Đồn vẫn đang tiếp tục chỉ đạo ra quân xử lý, mục tiêu đến trước ngày 31/5/2024, trên địa bàn không còn phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13 của BTV Tỉnh ủy, chúng tôi đã tập trung triển khai ở tất cả các lĩnh vực. Cụ thể là đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hệ thống tàu cá đánh bắt xa bờ và đến nay huyện Vân Đồn không có tàu cá vi phạm về IUU. Còn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã tập trung sắp xếp ổn định các khu vực nuôi biển theo đúng quy hoạch và không có phát sinh hộ dân nuôi mới ngoài vùng quy hoạch. Việc bảo vệ môi trường biển luôn được huyện Vân Đồn xác định là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài.
Với nỗ lực và quyết tâm cao, hiện nay, tại huyện Vân Đồn không còn tình trạng nuôi trồng thuỷ sản vi phạm hành lang an toàn giao thông các tuyến luồng, các khu vực nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy hoặc lấn chiếm vào hành lang an toàn luồng. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()