Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:29 (GMT +7)
Vân Đồn: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ở vùng nuôi hàu tập trung
Thứ 2, 15/11/2021 | 15:02:09 [GMT +7] A A
Trong 3 tháng liên tiếp gần đây (tháng 8,9,10/2021), kết quả quan trắc môi trường các vùng nuôi hàu tập trung trên địa bàn huyện Vân Đồn (do Trung Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc thực hiện) đều ghi nhận nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép. Đáng lưu ý là các mẫu hàu có ghi nhận bị nhiễm các loài thuộc nhóm vi khuẩn Vibrio, dễ làm cho người tiêu dùng ăn sống bị tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Hàu là một trong những sản phẩm thủy sản nổi tiếng nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và là một trong những thương hiệu phát triển mũi nhọn của huyện Vân Đồn trong những năm gần đây. Với diện tích khoảng 4.000ha, Vân Đồn được xem là vùng nuôi hàu lớn nhất tỉnh. Không chỉ được tiêu thụ nội địa, hàu còn là sản phẩm thường xuyên được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với số lượng lớn. Riêng trong 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng ruột hàu Thái Bình Dương tươi ướp đá xuất vào thị trường Đài Loan đạt trên 1.020 tấn (tương đương gần 10.200 tấn hàu Thái Bình Dương thương phẩm). Nhiều năm qua, hàu là sản phẩm chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều ngư dân trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều người dân đã tự ý khoanh nuôi tại các vùng chưa được quy hoạch hoặc tận dụng tối đa diện tích để nuôi thủy sản trên mặt nuôi hàu, cộng với mật độ nuôi quá dày đã khiến cho chất lượng sản phẩm hàu của Vân Đồn đang có xu hướng giảm, kích thước nhỏ và giá thành thấp. Đồng thời kéo theo những thách thức không hề nhỏ mà nghề nuôi hàu đang phải đối mặt.
Một trong những thách thức lớn cần được nói đến đó là suy thoái và ô nhiễm môi trường nước các vùng nuôi hầu tập trung trên địa bàn huyện, chủ yếu ở xã Đông Xá, thị trấn Cái Rồng, xã Hạ Long…
Theo kết quả quan trắc môi trường tháng 8/2021, nồng độ N-NH4 trong nước ở các vùng nuôi nói trên cao hơn từ 1,13 – 1,38 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép; mật độ coliform vượt ngưỡng lần lượt là 3,3 lần và 6,7 lần. Còn tại các mẫu hàu ghi nhận cho thấy bị nhiễm vi khuẩn V. alginolyticus, V. mimicus và V. cholerae với tần suất bắt gặp 1/3 mẫu kiểm tra.
Còn trong 2 tháng 9,10/2021, các mẫu nước cũng vẫn cho thấy nồng độ N-NH4, mật độ coliforms và Vibrio lần lượt cao hơn từ 1,29 – 1,42 lần, 2,3 – 53 lần và 1,2 – 1,5 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép. Việc nhiễm vi khuẩn Vibrio mediterranei, Vibrio vulnificus và V. fluvialis cũng được bắt gặp với tần suất 1/3 mẫu kiểm tra.
Được biết, vấn đề nguồn nước ô nhiễm do không đảm bảo mật độ nuôi trồng, tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của thuỷ hải sản đã được cơ quan chức năng khuyến cáo nhiều lần đến các hộ nuôi cũng như các địa phương. Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) trường hợp ô nhiễm nguồn nước như đang diễn ra tại Vân Đồn trước đây cũng đã xảy ra ở chính địa phương này và một số địa phương khác trong tỉnh. Đơn vị đã có văn bản khuyến cáo đến địa phương và người nuôi hàu phải thực hiện nghiêm túc duy trì mật độ nuôi phù hợp, không thả nuôi hàu với mật độ cao dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho hàu phát triển, làm hàu yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh vi khuẩn. Đồng thời phải thường xuyên vệ sinh khu vực bè nuôi, rổ, dây hàu, loại bỏ rong rêu, các vật bám, tạo độ thông thoáng cho bãi nuôi nhằm làm giàu nguồn thức ăn, tăng chất lượng môi trường nước khu vực nuôi. Nếu phát hiện hàu chết phải thu gom, xử lý ngay, tránh gây ô nhiễm môi trường, giảm sự phát triển của vi khuẩn và tránh để lây lan sang các cá thể sống; tăng cường theo dõi và quản lý môi trường nước bãi nuôi để có các biện pháp xử lý kịp thời khi xuất hiện các yếu tố bất lợi làm yếu hàu nuôi.
Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp khắc phục theo khuyến cáo của cơ quan chức năng gần như không được người dân thực hiện. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, trong tương lai không xa, câu chuyện đáng tiếc đối với người nuôi hàu sẽ có thể lặp lại kịch bản giống như đã xảy ra trên tu hài năm 2012 và nuôi ngao năm 2018. Theo đó, việc nuôi với mật độ quá dày đã khiến tu hài chết hàng loạt, gây tổn thất nặng nề cho gần 700 hộ nuôi ở Vân Đồn với thiệt hại lên tới 200 tỷ đồng. Còn tại Hải Hà, năm 2018 có 400ha diện tích nuôi ngao đã bị thiệt hại (chiếm 10,85% tổng diện tích nuôi)... dẫn đến nhiều hộ dân lao đao.
Chưa kể việc nuôi không tuân thủ theo đúng kỹ thuật, làm phát sinh dịch bệnh trên hàu sẽ khiến cho việc tiêu thụ hàu vào thị trường Đài Loan và mở rộng sang các thị trường khác gặp khó và có thể bị dừng việc xuất khẩu. Hiện phía Đài Loan đang kiểm soát Norovirus 100% lô hàng ruột hàu nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là loại virus rất dễ lây nhiễm, gây ra tình trạng đột nhiên nôn mửa và tiêu chảy cho người sử dụng.
Để đảm bảo ruột hàu xuất khẩu bảo đảm ATTP theo yêu cầu của Đài Loan thì quá trình giám sát Norovirus phải được thực hiện từ khâu thu hoạch đến sơ chế đóng gói. Cụ thể, lô ruột hàu sống chỉ được cấp chứng thư xuất khẩu Đài Loan khi bảo đảm như sau: Mẫu hàu vỏ nguyên con tại vùng nuôi âm tính với Norovirus, thì được thu hoạch đưa vào bóc lấy ruột, sau đó lô hàng ruột hàu sống tiếp tục phải được lấy mẫu và cho kết quả âm tính với chỉ tiêu Norovirus. Để không bị nhiễm Norovirus thì các thông số môi trường nước, mẫu hàu phải nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép.
Thiết nghĩ, UBND huyện Vân Đồn cần phải tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản cho người dân và đi kèm với những giải pháp quyết liệt hơn để tránh xảy ra tình trạnh “mất bò mới lo làm chuồng” như những năm về trước. Bởi xét cho cùng, khi người dân bị thiệt hại thì phát triển KT-XH của địa phương cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()