Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 07:01 (GMT +7)
Vân Đồn: Gỡ khó cho người dân trong tiêu thụ cam
Thứ 4, 15/12/2021 | 07:20:12 [GMT +7] A A
Cam Vạn Yên (Vân Đồn) từ lâu đã được biết đến là sản phẩm OCOP thế mạnh của huyện Vân Đồn với chất lượng ngon, ngọt và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Thời điểm này, đã vào vụ cam, tuy nhiên việc tiêu thụ cam của người dân nơi đây lại đang bị chững lại do những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Xã Vạn Yên (Vân Đồn) là vùng trồng chủ yếu các loại cam của Vân Đồn: Cam giấy, cam V2, cam đường Canh, cam CS1. Hiện trên địa bàn đang có 2 HTX trồng cam với khoảng gần 40 xã viên tham gia phát triển cây cam là HTX 10/10 và HTX Nông trang Vạn Yên. Đây là 2 HTX được định hướng là đầu mối áp dụng, lan toả kỹ thuật trồng cam trên địa bàn. Không chỉ cùng kiểm soát chất lượng, các HTX còn làm chủ các kỹ thuật chiết, ghép cây, đảm bảo quy trình kỹ thuật trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mùa vụ, tiêu thụ sản phẩm...
Ông Lưu Thành Viên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vạn Yên cho biết: Vụ cam năm 2021, cả xã Vạn Yên hiện có 200ha trồng cam, trong đó diện trồng trong quy hoạch 183ha. Xác định đây là ngành nghề mũi nhọn chính, hàng năm chúng tôi đã vận động bà con canh tác, đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá và phát huy mạnh mẽ việc liên kết tiêu thụ, nhất là việc thành lập các nhóm bán hàng và bán hàng online trong HTX. Theo ước tính sơ bộ, sản lượng thu hoạch cam năm nay của xã dự kiến đạt khoảng 300 tấn cam các loại. Hiện tại, cũng đang vào vụ thu hoạch cam. Tuy nhiên, so với thời điểm này mọi năm, việc tiêu thụ cam của xã năm nay đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo chia sẻ của các hộ trồng cam trên địa bàn xã Vạn Yên, thông thường hàng năm giá cam bán tại vườn sẽ có giá khoảng 30.000-32.000 đồng/kg cam đường Canh và cam giấy; 20.000 đồng/kg cam CS1 và 21.000-23.000 đồng/kg cam V2. Năm nay do tiêu thụ khó nên giá bán tại vườn cũng bị hụt giảm đi 2 đến 3 giá.
Bà Hoàng Thị Phượng, thôn 10/10, xã Vạn Yên, cho biết: Gia đình tôi đã trồng cây cam từ năm 2013 cho đến nay. Việc chăm sóc, áp dụng các kỹ thuật trồng, canh tác theo tiêu chuẩn đều được gia đình áp dụng để cho quả cam có chất lượng tốt nhất. Thời điểm này, cam tại vườn đã bắt đầu chín và cho chất lượng quả ngon, ngọt. Nhưng hiện tại, thì việc tiêu thụ cam năm nay của chúng tôi cũng đang gặp khó. Thời điểm này, những năm trước đây các thương lái đã đặt hàng và vào tận vườn hái cam tấp nập. Thế nhưng, năm nay thì việc tiêu thụ lại đang phải trông chờ rất nhiều vào chính quyền địa phương và việc cho du khách trải nghiệm, hái cam tại vườn.
Cùng chung nỗi lo, chị Nguyễn Thị Lý, thôn 10/10, xã Vạn Yên, chia sẻ: Vụ cam năm nay, gia đình tôi trồng khoảng 3ha cam các loại. Thời điểm này, cam đã bắt đầu được thu hoạch. Dự kiến sản lượng năm nay cũng được khoảng 10 tấn. Xác định việc tiêu thụ sẽ khó khăn hơn so với mọi năm do dịch bệnh, nên ngay từ đầu mùa cam, gia đình tôi đã tìm hướng bán hàng online, bán buôn, bán lẻ, cho khách tham quan chụp ảnh, hái và mua cam tại vườn vào dịp cuối tuần,... để tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại gia đình tiêu thụ được được khoảng gần 3 tấn cam. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, người dân cùng chung tay tiêu thụ cam Vạn Yên (Vân Đồn) đang vào vụ.
Mùa vụ thu hoạch cam Vạn Yên bắt đầu từ trung tuần tháng 11 và kéo dài trong vòng 2,5 tháng. Hiện nay, nhiều vườn cam Vạn Yên đã bắt đầu chín rộ và đang cho thu hoạch. Ước tính, với 1ha cam vào vụ, trung bình cũng có thể cho người dân thu hoạch khoảng hơn 200 triệu đồng/năm giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Chính vì vậy, ngoài việc giữ vững thương hiệu cam Vạn Yên thì việc tìm đầu ra cho người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang được các cấp chính quyền huyện Vân Đồn triển khai thực hiện quyết liệt, với những giải pháp căn cơ, kịp thời.
Ông Từ Tú Dương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Thời gian qua, huyện tập trung các nguồn lực, giải pháp phát triển các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm cam Vạn Yên nói riêng. Huyện cũng luôn đồng hành cùng người nông dân trồng cam tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Điển hình như, đã kết nối tiêu thụ qua Sở Công Thương, đẩy mạnh tuyên truyền mở rộng tiêu thụ sản phẩm, bán hàng trực tuyến, trực tiếp... Thời gian tới, song song với nhiệm vụ phát triển, giữ vững thương hiệu cam Vạn Yên, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn trong và ngoài huyện cùng chung tay tiêu thụ sản phẩm. Duy trì việc tạo điều kiện vay vốn cho các hộ để đảm bảo nguồn lực sản xuất. Đồng thời, từng bước phát huy thế mạnh du lịch trải nghiệm, hái và mua cam tại vườn để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()