Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:58 (GMT +7)
Vân Đồn đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thứ 7, 21/09/2019 | 09:18:36 [GMT +7] A A
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, huyện Vân Đồn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu cầu.
Người dân thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn) thu hoạch hàu biển. |
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện Vân Đồn chỉ đạo sát sao với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Nhờ đó, số lượng và chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn đã có những cải thiện rõ rệt. Nhiều lao động sau khi học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức vào sản xuất kinh doanh để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Tính từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức được 9 lớp dạy nghề sơ cấp (dưới 3 tháng) cho hơn 300 lao động nông thôn; tạo mới và giải quyết việc làm cho gần 4.200 lượt lao động, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên gần 60%. Trung tâm GDNN&GDTX huyện cũng tổ chức 12 lớp nghề phổ thông cho gần 700 học viên.
Từ chương trình đào tạo nghề cho nông thôn, một số ngành có thế mạnh của địa phương đã được phát huy, như: Nuôi trồng thủy sản; nuôi cá biển thương phẩm; điều khiển phương tiện thủy nội địa... Chị Long Thị Mói (xã Bình Dân) cho biết: Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôi đã tự tạo việc làm tại gia đình, mở rộng chăn nuôi lợn, gà, vịt, áp dụng đúng các hướng dẫn, quy trình chăm sóc, tiêm phòng phòng bệnh định kỳ đàn vật nuôi của mình. Tính trung bình, hằng tháng thu nhập từ đàn gia súc, gia cầm được từ 3-4 triệu đồng.
Những người khác, như các chị: Bùi Thị Đoàn, Lưu Thị Thương (xã Quan Lạn)... sau khi hoàn thành khóa học về buồng - bàn - bar, đã mạnh dạn kinh doanh nhà hàng phục vụ khách du lịch. Hằng tháng, ngoài thu nhập cố định, họ cũng tạo việc làm cho một số lao động địa phương.
Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả, hằng năm, phòng LĐ-TB&XH huyện đều phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát số lượng, nhu cầu của lao động. Sau đó lên kế hoạch đào tạo và mở lớp phù hợp với nguyện vọng học của người dân. Căn cứ theo số lượng của các xã đăng ký, huyện bố trí chia lớp cụ thể theo từng ngành nghề học.
Lớp dạy kỹ thuật đan lưới tại xã Đài Xuyên. Ảnh: Đỗ Phương |
Ngoài ra, Vân Đồn cũng đặc biệt chú trọng tới công tác tuyên truyền, tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho người dân. Trong 2 năm, 2017-2018, huyện đã mở 2 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 22 doanh nghiệp tuyển dụng, giải quyết việc làm cho gần 160 người. Đặc biệt, MTTQ và các đoàn thể huyện cũng tích cực phối hợp với cơ quan nhà nước phổ biến, tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho đoàn viên, hội viên, cộng tác viên... qua đó, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn.
Theo kế hoạch, năm 2020, huyện Vân Đồn sẽ mở 3 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho khoảng 105 lao động nông thôn, trong đó tập trung vào những ngành nghề cung cấp lao động chất lượng cao cho KKT Vân Đồn. Do vậy, huyện sẽ chú trọng làm tốt công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu học nghề, đảm bảo phù hợp với thị trường lao động và nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó là đổi mới hình thức, phương thức đào tạo, tăng cường quản lý chất lượng đầu ra ở các cơ sở dạy nghề đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.
Nguyên Ngọc
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()