Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:20 (GMT +7)
Vấn đề thời sự “quốc kế, dân sinh” đặt lên bàn nghị sự
Thứ 5, 13/10/2022 | 21:31:07 [GMT +7] A A
Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần này hoàn thành chương trình đề ra, những nội dung công việc quan trọng cần thiết chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo: Thời gian từ nay đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4 chỉ còn khoảng hơn một tuần, yêu cầu các cơ quan phải gấp rút hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, các nội dung trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tập trung cao độ, thật sự khẩn trương rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội, đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời, với sự đồng thuận cao.
Tại phiên họp tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá kỹ lưỡng chung quanh các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Nhiều điểm sáng nổi bật
Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức kinh tế-xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ, GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%, đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng, 14/15 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tình hình phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương, 44/63 tỉnh, thành phố có GRDP tăng trên 6%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch được phục hồi mạnh mẽ.
Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm CPI tăng khoảng 4%. Thu ngân sách nhà nước vượt cao so dự toán, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34% GDP.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Qua lắng nghe, tổng hợp các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo cần phân tích rõ thêm phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các thành tích, trong đó đề cập tới vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, chính quyền các cấp; vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính; sự năng động của các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Cử tri và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức quốc tế vừa qua ghi nhận và đánh giá rất cao sự vào cuộc chủ động, rất tích cực của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thể hiện qua nhiều quyết sách kịp thời, khẩn trương trong lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19, trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, về đầu tư, về giảm thuế xăng, dầu...
Các đại biểu cũng cho rằng các quyết định vừa qua của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tính chất “mở đường” và có ý nghĩa lịch sử mà chưa có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội, và rõ ràng thể hiện rõ nét sự chủ động, sự đồng hành, sự vào cuộc, sự nhạy bén, sự quyết đoán và quyết liệt của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, cũng như phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.
“Tôi nhớ có việc Chính phủ trình ngày 30/8, đề nghị Thường vụ Quốc hội họp để giảm thuế xăng, dầu trong phiên họp Ủy ban Thường vụ tháng 9, tức là ngày 10/9 mới họp, nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Tài chính, Ngân sách tối 31/8 họp và yêu cầu ký nghị quyết trước ngày nghỉ. Đấy là một sự đồng hành, sự quyết liệt, đồng thuận của cả Chính phủ và Quốc hội, có thể nói là chưa bao giờ tốt như bây giờ, chưa bao giờ cấp bách mà gắn bó như bây giờ", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Tham gia ý kiến, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Chính phủ rất quyết liệt, với rất nhiều các biện pháp, Quốc hội cũng giúp tháo gỡ được rất nhiều các vấn đề, ban hành một luật sửa chín luật tháo gỡ nhiều khó khăn và cho các cơ chế đặc thù.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các thủ tục đã cơ bản hoàn thành và đã chuẩn bị cho khởi công các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, các chương trình phục hồi, ba chương trình mục tiêu quốc gia thì những tháng cuối năm và sang năm 2023 thì tình hình giải ngân chắc chắn sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn.
“Điểm nghẽn” lớn trong đầu tư công
Tại phiên họp này, đối với các báo cáo về ngân sách nhà nước, đầu tư công, Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc thực hiện thu-chi ngân sách, bội chi, nợ công; thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; việc thực hiện các chính sách tài khóa để phòng, chống dịch và hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân.
Các đại biểu đã đề cập những bất cập, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện ngân sách năm 2022 và điều hành chính sách tài khóa, phòng, chống dịch, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; nhiệm vụ, giải pháp điều hành ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, hiện nay chúng ta mới triển khai đạt mức 40% thì rất chậm.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, hiện nay, cử tri và nhân dân rất quan tâm việc triển khai Nghị quyết 43 về gói kích thích kinh tế về tài khóa, tiền tệ đang ở mức rất chậm, liên quan lĩnh vực ngân hàng.
“Chúng ta đã thống nhất bù lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp để kích thích cho doanh nghiệp phát triển thì hiện nay nó lại ngược lại. Bây giờ lãi suất vay của ngân hàng có những gói doanh nghiệp phải vay tới 15%. Cùng việc siết room tín dụng nữa thì một số doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Bùi Văn Cường nói.
Chung quanh một số vụ án lớn liên quan thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dư luận đặc biệt quan tâm như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... các đại biểu cho rằng cần được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, qua đó đánh giá việc quản lý đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu Chính phủ, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm.
Cần giải pháp sẵn sàng ứng phó
Với các nội dung báo cáo quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đánh giá bối cảnh tình hình trong nước và thế giới, căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; quan trọng hơn là các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong kế hoạch, thể hiện tính toàn diện, đầy đủ, bao quát của các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, các vấn đề.
Cho ý kiến về những nội dung thảo luận, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận định thời gian tới, các yếu tố rủi ro về suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính thế giới vẫn đang hiện hữu.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, đó là những vấn đề dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, nguy cơ của dịch đậu mùa khỉ, trong khi bất ổn thương mại, thị trường tài chính toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng thế giới, những ngân hàng có tính chất toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng năng lượng và lương thực, rủi ro nghĩa vụ nợ quốc gia do ảnh hưởng của lãi suất và tỷ giá ở các nước trên thế giới...
Thời gian tới, nhiều đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tiếp tục kiên trì, lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững làm căn cứ để đưa ra định hướng chính sách; theo đó nhất quyết không vì mục tiêu tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô, và nêu rõ ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn.
Ý kiến một số đại biểu cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có “độ mở thương mại” cao trên thế giới, gần như là trong nhóm cao nhất thế giới - xếp thứ 11/174 quốc gia, do vậy thì luôn có độ trễ lạm phát so các nước trên thế giới khoảng 6 tháng. Vì vậy cần chủ động đánh giá và có giải pháp với tình hình lạm phát của những tháng cuối năm và 6 tháng đầu năm 2023.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng: Cần tính toán, đo lường kịch bản lạm phát để có các giải pháp phù hợp, thích ứng. Giữ mức lạm phát thấp sẽ giúp ổn định giá trị đồng tiền nội tệ và duy trì tỷ giá phù hợp, tránh biến động lớn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu để bảo đảm duy trì cán cân thương mại và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt.
Liên quan vấn đề phối hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các đại biểu yêu cầu Chính phủ quan tâm đến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý theo hướng thận trọng, hiệu quả; đồng thời, tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, an toàn nhưng đặc biệt chú trọng đến chất lượng tăng trưởng tín dụng để làm sao dòng vốn dẫn dắt được đến ngành sản xuất và xuất khẩu.
Các đại biểu tại Phiên họp thứ 16 đã nhấn mạnh tầm quan trọng tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế và thủ tục để chúng ta thực hiện tốt nhất giải ngân đầu tư công, sẽ tạo ra được động lực và tạo ra được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cần quan tâm đầu tư cho các danh mục xây dựng hạ tầng chiến lược, cơ sở vật chất và công nghệ số để nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế và hướng tới mục tiêu tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn.
Cho rằng năm 2023 chúng ta phải có những giải pháp mạnh để giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn cho rằng cần tập trung giải quyết vướng mắc trong đầu tư thuốc, vật tư y tế, nhằm chấm dứt tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư. Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn đề nghị tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành.
“Bây giờ 1 luật sửa 9 luật, các luật đã ban hành có hiệu lực thì làm sao giảm tối thiểu tình trạng nợ đọng, chậm ban hành các văn bản chi tiết thi hành luật, như nghị định, thông tư”, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn nói.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị đẩy nhanh thực hiện ba đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách.
Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, Chương trình phục hồi kinh tế, Nghị quyết 43 của Quốc hội đến nay về căn bản toàn bộ gói chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 113.550 tỷ chưa giải ngân, ảnh hưởng rất lớn đến sử dụng vốn.
Những vấn đề cần quan tâm khác được đại biểu nêu là nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; đặc biệt, quản lý đất đai để tạo động lực cho kinh tế phát triển; tập trung nguồn lực để giải quyết thiên tai, bão lũ, hộ nghèo hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()