Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:30 (GMT +7)
Bất cập trong đảm bảo ATTP, vệ sinh môi trường tại chợ dân sinh
Thứ 3, 25/07/2023 | 06:37:20 [GMT +7] A A
Trên địa bàn tỉnh hiện có 135 chợ (22 chợ hạng I, 23 chợ hạng II và 90 chợ hạng III). Mặt hàng buôn bán ở các chợ này chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, thuỷ hải sản, rau quả... đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), an toàn thực phẩm (ATTP), cơ sở vật chất ở hầu hết các chợ còn rất yếu và xuống cấp.
Những năm vừa qua, mặc dù hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng được nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hoá của nhân dân, tuy nhiên hầu hết các chợ đầu tư từ 10-25 năm (38/135 chợ đầu tư trước năm 2000, 61/135 chợ đầu tư trong giai đoạn 2000-2010; 37/135 chợ được đầu tư xây dựng sau năm 2010), do đó cơ sở vật chất nhiều chợ đã xuống cấp, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa của địa phương, chưa đảm bảo điều kiện về môi trường, ATTP, phòng chống cháy nổ tại chợ.
Để phát huy được tính chủ động của địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ và chuyển đổi mô hình quản lý chợ, UBND tỉnh đã phân cấp cho UBND các địa phương thực hiện chức năng quản lý đối với các chợ trên địa bàn. Đến nay, chợ đã chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã là 46 chợ (bằng 34% tổng số chợ). Bao gồm: TP Hạ Long 17 chợ; TP Móng Cái 3 chợ; TP Cẩm Phả 3 chợ; TP Uông Bí 3 chợ; TX Quảng Yên 8 chợ; TX Đông Triều 8 chợ; huyện Tiên Yên 3 chợ; huyện Hải Hà 1 chợ.
Nếu so với cả nước, Quảng Ninh đạt tỷ lệ chuyển đổi tương đối cao khi số chợ chuyển đổi cả nước là 1.361 chợ (đạt tỷ lệ 16,01%), xếp thứ 6/63 tỉnh thành (sau Hà Nội 163 chợ, Thanh Hóa 125 chợ, TP Hồ Chí Minh 73 chợ, Phú Yên 73 chợ, Bắc Giang 47 chợ). Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ diễn ra không đồng đều tại các địa phương và phần lớn các chợ chuyển đổi đều tập trung tại các thành phố, thị xã lớn. Mặt khác, việc bố trí nguồn vốn đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được xác định là do hiệu quả kinh tế không cao nên khó thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chợ. Nếu có thu hút thì lại khó nhận được sự đồng thuận của nhiều hộ kinh doanh trong chợ trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Cùng với đó là bất cập về cơ chế chính sách tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP (ngày 14/1/2003) của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP (ngày 23/12/2009) của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP quy định vốn từ ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, do đó các chợ do nhà nước quản lý tại đô thị không được đầu tư bằng ngân sách.
Với thời gian hoạt động từ 15-20 năm và không được cải tạo, nâng cấp đã khiến cho hạ tầng các chợ xuống cấp nghiêm trọng. Qua rà soát, kiểm tra của Sở TN&MT, vấn đề VSMT ở các chợ hiện rất đáng báo động khi vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Hệ thống các nhà vệ sinh công cộng không đáp ứng được yêu cầu, thiếu nước hoặc các trang thiết bị cần thiết; ống thoát nước rò rỉ, hư hỏng; nhiều chợ vẫn chưa có công trình xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; không có vị trí tập kết rác tạm thời hoặc có nhưng không đảm bảo; chưa có tường bao, mái che, rãnh thu gom nước rỉ rác; chưa thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định hiện hành...
Những tồn tại trên không chỉ có ở các chợ vùng sâu, vùng xa mà ngay ở những chợ lớn cũng vẫn còn, như: Chợ Hạ Long I (TP Hạ Long), chợ Trung tâm Uông Bí (TP Uông Bí), chợ Trung tâm Cẩm Phả (TP Cẩm Phả), chợ Trung tâm Móng Cái, chợ 2, chợ 3 Móng Cái (TP Móng Cái), chợ Rừng (TX Quảng Yên)...
Chị Nguyễn Thị Hương (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) cho biết: Vào buổi tối, tôi và nhiều người trong khu phố thường đi bộ khu vực xung quanh Vincom Hạ Long và cầu Bài Thơ. Nhiều hôm, chúng tôi không dám đi con đường tắt từ cổng sau chợ Hạ Long I sang Vincom Hạ Long vì rác thải của các hộ kinh doanh gần như vứt hết ra đường và đến rất muộn mới được thu gom, dẫn đến mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Tôi thấy rất ái ngại khi cách chợ chỉ 100m là khu vực Vincom Hạ Long và đường bao biển rất sạch sẽ, hiện đại thì đối lập lại một hình ảnh vô cùng nhếch nhác và mất vệ sinh của chợ Hạ Long I. Nếu như chợ có những khu vực tập kết rác thải và hàng ngày công tác thu gom rác được xử lý ngay sau khi chợ đóng cửa thì tôi nghĩ vấn đề vệ sinh môi trường chắc chắn sẽ được cải thiện.
Theo ý kiến của nhiều người dân, để nâng cao chất lượng ATTP, VSMT tại chợ trong điều kiện cơ chế chính sách về đầu tư chợ còn gặp nhiều vướng mắc, Sở Công Thương cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đưa đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt là các chợ đã xuống cấp vào danh mục dự án thu hút đầu tư phục vụ an sinh xã hội hàng năm. Trong khi các chợ chưa được cải tạo, nâng cấp thì các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường; kiểm soát chặt chẽ thực phẩm, nhất là các thực phẩm tươi sống được đưa vào kinh doanh trong chợ; nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải...
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm công tác đầu tư nâng cấp, sửa chữa chợ (thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội hóa; phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách đầu tư các chợ được sử dụng nguồn ngân sách theo quy định); cho phép bố trí ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng các chợ dân sinh (chợ hạng 3 khó thu hút đầu tư xã hội hóa) để đảm bảo điều kiện kinh doanh mua bán tại chợ; phân cấp quản lý toàn diện đối với chợ hạng 1 cho UBND các địa phương.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()