Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 16:15 (GMT +7)
Vẫn còn nhiều vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế
Thứ 5, 09/02/2023 | 17:02:42 [GMT +7] A A
Theo Bộ Y tế hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Bộ Y tế ngày 9/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Đối với công tác mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính về trang thiết bị y tế. Đến nay đã tiếp nhận, xử lý và công bố, cấp phép, cấp số lưu hành: 30.284 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại A; 12.854 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại B; 1.247 hồ sơ đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D; 278 giấy phép nhập khẩu theo Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm, dự toán mua sắm; phương án xử lý các trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50%, nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt.
Về công tác mua sắm thuốc, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung ứng đủ thuốc (nhập khẩu và sản xuất trong nước) thông qua việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung và thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong năm 2022, Bộ Y tế đã công bố danh mục 10.484 thuốc hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đã cấp đến hết ngày 31/12/2022; thực hiện cấp, gia hạn cho 2.875 thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Hiện tại, đang có gần 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc.
Theo đó, việc tổ chức đấu thầu thuốc đã được thực hiện ở 3 cấp. Tại Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức đấu thầu và đàm phán giá; năm 2021-2022 đã thực hiện mua sắm danh mục 50 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và 69 thuốc biệt dược gốc áp dụng hình thức đàm phán giá. Tại địa phương, việc đấu thầu tập trung do Đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương thực hiện; các cơ sở y tế tự thực hiện mua sắm các thuốc còn lại.
Tuy nhiên, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược vẫn còn gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược; trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế, đăng ký lưu hành trang thiết bị, thu hồi trang thiết bị y tế; làm rõ các khái niệm liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế... để gỡ khó cho việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trong thời gian tới.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()