Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:00 (GMT +7)
Vai trò truyền thông trong công tác dân số
Thứ 6, 05/03/2021 | 12:56:35 [GMT +7] A A
Để đạt được các mục tiêu đề ra về quy mô, chất lượng, cơ cấu dân số, công tác truyền thông có vai trò quan trọng. Truyền thông với nhiều hình thức phong phú, có trọng tâm, trọng điểm sẽ làm thay đổi nhận thức và hành vi của các nhóm đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Cán bộ y tế phường Nam Khê (TP Uông Bí) tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, tháng 11/2020. |
Gia đình chị Đặng Thị Quy, xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên), cho biết: “Nhờ cán bộ dân số tuyên truyền, vận động nên vợ chồng tôi không có ý định sinh thêm con. Mặc dù sinh 2 bé gái nhưng tôi cùng chồng cũng ý thức được rằng vậy là đủ và tập trung nuôi dạy con cho tốt. Theo tôi, các bậc cha mẹ không nên lựa chọn giới tính thai nhi và cùng chỉ nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt, tập trung vào phát triển kinh tế...".
Việc thay đổi nhận thức, hành vi của gia đình chị Đặng Thị Quy cũng là sự thay đổi nhận thức của nhiều cặp vợ chồng trên địa bàn xã Đồng Rui. Để có được sự thay đổi hành vi một cách tích cực này của người dân, cán bộ dân số đã bám sát địa bàn, thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đối với nhiều đối tượng có nguy cơ cao và vận động các gia đình sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại.
Chị Phạm Thị Chĩnh, Cộng tác viên dân số xã Đồng Rui, cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng gia đình, hầu hết các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn xã không có ý định sinh thêm khi đã đủ 2 con. Quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường gần như đã không còn trong suy nghĩ của nhiều người. Các gia đình cũng cởi mở hơn khi chia sẻ những vấn đề liên quan đến kế hoạch hoá gia đình...”.
Những năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, phối hợp với các đơn vị, ngành và địa phương trong toàn tỉnh. Nội dung chủ yếu cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng liên quan đến dân số trong tình hình mới, như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống bạo lực gia đình, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...; nội dung, hình thức tuyên truyền đều phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, từng vùng miền, địa phương.
Trung tâm Y tế TP Móng Cái cung cấp kiến thức về SKSS cho lao động nữ làm việc tại các KCN trên địa bàn. |
Đơn cử, trong giai đoạn 2016-2020, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 40 lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền các kiến thức về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp phòng tránh thai, chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tiền hôn nhân... cho trên 3.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp với Trạm y tế các địa phương khám phụ khoa cho trên 5.000 lượt phụ nữ; phối hợp Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn công tác DS-KHHGĐ, các biện pháp thực hiện tiêu chí không sinh con thứ 3 trong cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” cho thành viên Ban chấp hành hội phụ nữ cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số và hội viên nòng cốt tại cơ sở...
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hoàng Văn Hy, cho biết: Giai đoạn 2016-2020, hoạt động truyền thông chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, cộng đồng dân cư đã tham gia công tác dân số trong tình hình mới đạt kết quả tốt. Các mô hình CLB dân số được thành lập, duy trì và mở rộng, như: Tiền hôn nhân, Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... Cùng với đó, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền từ các cuộc thi, hội thi giao lưu tìm hiểu về dân số từ tỉnh, huyện đến cơ sở; gặp mặt biểu dương, tuyên dương về thực hiện tốt chính sách dân số được tổ chức quy mô và hiệu quả; nội dung về dân số được đưa vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, hương ước, quy ước của khối, xóm, thôn, bản... Qua đó, đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi về dân số của mỗi người dân.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()