Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 19/01/2025 02:36 (GMT +7)
Vai trò quan trọng của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế
Thứ 5, 08/09/2022 | 08:14:32 [GMT +7] A A
Với những lợi thế, tiềm năng lớn về du lịch, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh trong đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp cũng chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao... Qua đó, ngành du lịch đã nhanh chóng khởi sắc trở lại sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngay khi du lịch mở cửa hoàn toàn vào tháng 3/2022, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung phát triển mạnh ngành du lịch nhằm khôi phục nền kinh tế, bù đắp cho những lĩnh vực bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh duy trì tốt các sản phẩm du lịch sẵn có, Quảng Ninh chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều hoạt động kích cầu phát triển du lịch. Đặc biệt hơn, với việc bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương trên cả nước có tốc độ phục hồi du lịch nhanh. Đầu năm 2022, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) công bố kết quả nghiên cứu về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch, thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 2/15 địa phương với tổng số điểm đạt 4,68.
Trong 8 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng 218% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu du lịch ước đạt 17.599 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ. Riêng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, Quảng Ninh đã đón khoảng 250.000 lượt khách du lịch.
Trong đó, vịnh Hạ Long đón gần 58.000 lượt khách, Bảo tàng Quảng Ninh đón khoảng 15.000 lượt khách, Khu di tích danh thắng Yên Tử thu hút khoảng 4.500 lượt khách, Tổ hợp khu vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long Complex đón khoảng 40.000 lượt khách... Với sự kiện khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đúng ngày đầu của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, lượng du khách đến TP Móng Cái tăng cao đột biến, với khoảng 150.400 lượt khách trong 4 ngày nghỉ lễ, đông nhất từ đầu năm 2022 đến nay.
Du lịch phát triển mạnh, kéo theo các lĩnh vực khác cũng có nhiều khởi sắc. Cụ thể, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 100,9 triệu lượt khách, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2021. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 84,3 triệu tấn, tăng 21,5% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 22.785 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2021...
Có thể thấy, từ khi mở cửa trở lại, du lịch đã phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của Quảng Ninh. Để tiếp tục duy trì những kết quả đạt được và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, tỉnh đã xác định các giải pháp lâu dài, bền vững. Trong đó, tỉnh tiếp tục nhận diện những khó khăn, thách thức, nhất là nguy cơ từ đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu khi các biến thể mới xuất hiện bất cứ lúc nào và có thể lây lan nhanh chóng; cùng với đó là mối lo về dịch bệnh như đậu mùa khỉ, cúm A, sốt xuất huyết...
Vì vậy, các giải pháp phục hồi du lịch trong giai đoạn hiện nay vẫn phải luôn song hành với phòng, chống dịch Covid-19, cũng như các dịch bệnh khác để đảm bảo môi trường du lịch an toàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là điều kiện tiên quyết để tỉnh thu hút không chỉ khách du lịch nội tỉnh, nội địa, mà cả du khách quốc tế trong điều kiện bình thường hiện nay.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh khai thác các thị trường du lịch nội tỉnh, nội địa với các giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức những hoạt động kích cầu du lịch đến tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ, từ đó hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch.
Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng phát triển bền vững cũng là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của thị trường du lịch. Do đó rất cần xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế tài nguyên văn hóa để xây dựng các sản phẩm và tuyến du lịch mới, độc đáo, mang đậm chất riêng của Quảng Ninh và phù hợp với xu hướng của thị trường gắn với bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.
Vấn đề nguồn nhân lực du lịch cũng được xác định có vai trò quan trọng, trong đó tỉnh tiếp tục quan tâm tổ chức các chương trình thu hút và tuyển dụng lao động phục vụ du lịch thông qua kết nối trực tuyến, ngày hội việc làm tại các địa phương. Đồng thời, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở đào tạo, trong đó chú trọng liên kết “3 nhà” (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) để vừa tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp, thường xuyên và vừa đáp ứng được nhu cầu lao động cho doanh nghiệp...
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()