Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:11 (GMT +7)
Lan toả chuyển đổi số đến người dân
Thứ 6, 26/08/2022 | 08:48:24 [GMT +7] A A
Một trong những cách làm hiệu quả đang được Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện để hiện thực hóa quan điểm lấy người dân làm trung tâm trong tiến trình chuyển đổi số là mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Dù mới được xây dựng và hoạt động, nhưng mô hình đã khẳng định hiệu quả trong thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở.
Bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số, Quảng Ninh xác định chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, cùng kiến tạo nên cộng đồng số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm mục tiêu: Người dân phải được tiếp cận công nghệ, người dân không còn thấy công nghệ là thứ phức tạp và chính công nghệ sẽ mang lại những giá trị lợi ích thiết thực cho người dân trong cuộc sống.
Cuối tháng 4/2022, ngay khi có hướng dẫn của Bộ Thông tin - Truyền thông, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân; là "cánh tay" nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến cấp xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, bản. Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng truyền tải nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân để thúc đẩy chuyển đổi số đến từng ngõ, ngách và các hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng của doanh nghiệp) bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của 11.255 thành viên.
Tổ công nghệ số cộng đồng là xác định rõ nội dung công việc, phân công cụ thể theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm” và thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông và Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh. Tỉnh cũng huy động, phát huy tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT tại địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Quá trình triển khai, tỉnh cũng lưu ý đến các nội dung phù hợp với đặc thù của từng địa phương trên địa bàn.
Cùng với công tác tuyên truyền, Tổ được giao các nhiệm vụ cụ thể gắn với các chỉ tiêu cần hoàn thành trong năm 2022 để đo lường bằng các con số, tránh tình trạng chung chung, hình thức. Trong đó, phấn đấu 100% công dân từ 14 tuổi trở lên được cấp mã định danh điện tử cá nhân và sử dụng mã định danh cá nhân hiệu quả trong giao dịch TTHC và các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục…; 100 công dân trưởng thành biết và hiểu địa chỉ truy cập Cổng dịch vụ công tỉnh và có kỹ năng cơ bản khi có nhu cầu sử dụng; 100% hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP được đưa lên 3 sàn thương mại điện tử Voso, Posmart, Sendo; 100% hộ gia đình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực biết mở gian hàng số để giao dịch trực tuyến; 100% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện tử, có điện thoại di động thông minh và cài đặt, sử dụng các ứng dụng thiết yếu như VNeID, sổ sức khỏe điện tử, VssID...
Để Tổ công nghệ số cộng đồng có tài liệu hoạt động, tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh cùng các ngành và Trung tâm Truyền thông tỉnh thống nhất xây dựng 8 bộ tài liệu để triển khai trong cộng đồng dân cư năm nay. Các tài liệu này được biên soạn, xây dựng dưới dạng các clip ngắn, Infographic đảm bảo trực quan, sinh động, dễ tiếp cận để chuyển tới người dân thông qua các nền tảng miễn phí, thông dụng… Đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 20 clip hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán online… trong đó có 9 clip hướng dẫn trực tiếp quy trình, thủ tục sử dụng các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình và đang tiếp tục hoàn thiện 40 clip khác để cung cấp cho các Tổ công nghệ số cộng đồng và đăng tải trên các phương tiện truyền thông thông tin tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân.
Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động, song hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng và các sở, ngành, đơn vị chức năng đã mang lại hiệu quả rõ nét, đóng góp tích cực cho công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()