Lần đầu tiên, 20 tấn quả vải tươi chín sớm đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, khẳng định vải thiều Bắc Giang gồm cả vải sớm và chính vụ hoàn toàn đủ điều kiện XK sang các thị trường khó tính.
Mặc dù mới vào mùa vụ, thế nhưng gần 20 tấn vải thiều sớm Tân Yên (Bắc Giang) đã chính thức có mặt tại các siêu thị, cửa hàng để phục vụ người tiêu dùng Nhật Bản quan đường hàng không. Vui mừng trước chuyến hàng đầu tiên “đầu xuôi đuôi lọt," hứa hẹn một vụ mùa bôi thu, ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, cho biết năm 2021 này toàn huyện tập trung cao độ bảo đảm cho các vùng vải thiều “Sạch - Không bị tác động của dịch bệnh COVID-19.”Thế nhưng, niềm vui của ông Toàn cũng như của nhiều bà con nông dân trồng vải Tân Yên nói riêng và Bắc Giang nói chung không phải tự nhiên đến, mà đã được “vun trồng” từ một chiến lược bài bản của lãnh đạo tỉnh trong việc gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: “nhà nông dân-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nước.”Giữa tâm dịch vẫn được mùa, trúng giá.
Đường vào vườn vải nhà chị Nguyễn Thị Duyến ở thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên, Bắc Giang) rợp bóng mát của những cây vải nhiều năm tuổi. Thời điểm này đang là cao độ thu hoạch vải chính sớm, vì thế, để tìm được người chủ trong vườn vải rộng gần 10.000 mét vuông này, cách duy nhất là đi theo những âm thanh. Đó là âm thanh cành lá xào xạc, tiếng bẻ vải tanh tách và đâu đó là những tiếng cười, tiếng nói của người nông dân…Chị Duyến đang cùng những người thợ của mình thu hái vải ở lưng chừng đồi. Hai lớp khẩu trang không giấu được niềm vui được mùa và nụ cười ánh lên trong đôi mắt chị: “Năm nay, vải nhà tôi lần đầu tiên được đi Nhật chú ạ.”Tay thoăn thắt bó vải, chị kể: “Trồng vải theo chuẩn VietGap và GlobalGap thì chúng tôi trồng từ nhiều năm nay rồi nhưng phải đến cuối vụ vải năm trước, vườn nhà tôi vùng một số vườn khác tại địa phương mới được ‘nhắm’ để xuất Nhật.
Vì thế, thời gian vừa qua, chúng tôi cũng phải thay đổi phương thức sản xuất và được khuyến nông huyện cùng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh giám sát để chất lượng quả vải đảm bảo.”Theo người chủ vườn, từ khi cây ra hoa, Chi cục bảo vệ thực vật và khuyến nông huyện đã xuống tận nơi, hướng dẫn chăm bón, sử dụng các loại phân tiêu chuẩn. Tới khi vải ra quả, họ tiếp tục hướng dẫn phun thuốc chống trừ sâu bệnh, giám sát việc phun đúng thời gian và liều lượng.“Thậm chí, với vải xuất khẩu đi Nhật, chúng tôi dùng dấm, tỏi, ớt… để pha chế thay cho thuốc trừ sâu nên quả vải vừa ngon, vừa sạch. Trong 20 tấn của tỉnh xuất đi Nhật Bản đợt này có vải nhà tôi, thu mua tại vườn là 55.000 đồng/kg,” chị Duyến hồ hởi khoe.
Những ngày này là những ngày căng thẳng tại “tâm dịch” Bắc Giang, vì thế, với lãnh đạo địa phương, thời gian rảnh gần như là không có. Liên tục giữa những cuộc điện thoại chỉ đạo và xen kẽ các chuyến thực địa tại hiện trường, ông Phan Thế Tuấn - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang không giấu được niềm vui, cho biết: Vừa qua, lễ xuất hành lô vải chín sớm huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản đã được tỉnh tổ chức thành công mặc dù diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn nhiều phức tạp.
Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn cầu đã xuất khẩu lô vải sớm Tân Yên đầu tiên sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không, với số lượng khoảng 20 tấn.“Vải Bắc Giang đã đi tới nhiều quốc gia trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những năm trước, trái vải xuất khẩu chủ yếu là vải thiều chính vụ. Sự kiện vừa rồi đánh dấu lần đầu tiên quả vải tươi chín sớm của tỉnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, khẳng định vải thiều Bắc Giang bao gồm cả vải sớm và chính vụ hoàn toàn đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính,” ông Tuấn tự tin.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết thêm rằng năm 2021, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương với quan điểm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, không mở rộng diện tích trồng vải, tập trung phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng vải thiều của tỉnh.Tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tại các thị trường khó tính. Trong số đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha (chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh; tăng 200 ha so với năm 2020), sản lượng ước đạt 125.000 tấn; vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích trên 82 ha, sản lượng khoảng 800 tấn.
“Năm nay, thuận thời tiết cùng với kinh nghiệm nhiều năm và kỹ năng canh tác, chăm sóc vải thiều của người trồng vải Bắc Giang ngày càng nâng cao nên có thể nói vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2021 có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng,” ông Tuấn khẳng định.Đảm bảo mục tiêu képNăm nay, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đúng vào thời điểm thu hoạch vải.
Vì vậy, thách thức đặt ra cho chính quyền và người dân Bắc Giang là rất lớn.“Có thể nói, khó khăn nhân lên rất nhiều lần để có thể đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa giúp bà con nông dân thu hoạch an toàn, tiêu thụ thuận lợi,” ông Tuấn cho hay.Đối với thị trường trong nước, tỉnh phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ với các hệ thống phân phối bán lẻ, các tập đoàn, siêu thị lớn như: Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Vinmart&Vinmart+, Aeon, Lotte, Sai Gon Coop… cùng các chợ đầu mối nông sản, hoa quả ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước.Song song đó, một kênh bán hàng cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh trong năm nay, đó là kết hợp với các sàn thương mại điện tử để tăng cường đẩy mạnh tiêu thụ quả vải cũng như các mặt hàng nông sản mà Bắc Giang có thế mạnh.
Đặc biệt, trong năm 2021 này, tỉnh cũng giao cho các đơn vị chức năng tổ chức gian hàng bán vải thiều trên sàn thương mại điện tử Alibaba; hỗ trợ đẩy mạnh phân phối sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử quốc tế.[Bắc Giang xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong dịch COVID-19]Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh phối hợp chặt chẽ với tất cả các Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia xuất khẩu vải thiều để kết nối, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đưa quả vải Việt Nam ra thế giới được thuận lợi cũng như thành lập Tổ thường trực hỗ trợ xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc…
Ông Tuấn nhấm mạnh dù là thị trường nội địa hay xuất khẩu, thì công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch là yếu tố được tỉnh Bắc Giang đặt lên hàng đầu. “Vừa qua, tỉnh đã thực hiện đưa cách ly tất cả các đối tượng F1 ra ngoài vùng vải thiều của huyện Tân Yên đồng thời tuyên truyền, vận động người dân trong vùng vải thiều không đi ra khỏi địa bàn, tập trung cho sản xuất, tiêu thụ vải thiều.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết lập các tổ chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào vùng vải thiều tập trung, bảo đảm quy định phòng dịch COVID-19 một cách nghiêm ngặt,” ông Tuấn cho biết.Cũng với đó, các lực lượng chức năng cũng hỗ trợ bà con, doanh nghiệp kiểm tra y tế các mã vùng trồng, chủ vườn trồng vải thiều, các cơ sở đóng gói, sơ chế, lái xe và phương tiện vận chuyển, người lao động tham gia thu hái, đóng gói, vận chuyển vải thiều… để bảo đảm an toàn một cách cao nhất.“Với sự chủ động như vậy, tỉnh Bắc Giang tin tưởng dù diễn biến COVID-19 vẫn còn nhiều phức tạp, song chính quyền và người dân Bắc Giang đã có sự chủ động để thúc đẩy việc tiêu thụ vải thiều thuận lợi và an toàn trong thời gian tới,” ông Tuấn khẳng định.
Ý kiến ()