Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:37 (GMT +7)
Vài suy nghĩ về việc đặt tên các cầu, đường, phố ở TX Quảng Yên
Chủ nhật, 16/01/2022 | 09:48:28 [GMT +7] A A
TX Quảng Yên có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, nhiều danh nhân đã từng đến hoặc sinh ra trên mảnh đất này, tất cả đã làm nên một Quảng Yên văn hiến, văn vật ở vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Từ những đặc trưng trên, thiết nghĩ việc đặt tên, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng ở TX Quảng Yên ngoài tuân thủ Nghị định số 91/2005 NĐ-CP ngày 11/7/2005 ban hành kèm theo Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của Chính phủ, thì việc đặt tên, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng ở TX Quảng Yên nên mang đậm dấu ấn của ba lần Chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại; mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa lâu đời của mảnh đất Quảng Yên.
Để tên gọi phù hợp với quy mô cầu, đường, phố, công trình công cộng và tránh trùng tên trong mỗi loại hình trong một đơn vị hành chính cấp huyện, Hội đồng đặt tên, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng của TX Quảng Yên cần bổ sung các tên gọi vào ngân hàng tên đường, phố và các công trình công cộng trên địa bàn thị xã; dự kiến đặt tên cho các cây cầu, các con đường, các phố, kèm theo phần giới thiệu nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi để các phường, xã xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Về việc đặt tên, đổi tên các cây cầu
TX Quảng Yên đang hành trình lên thành phố vào năm 2025, sẽ có 7 cây cầu lớn bắc qua sông Bạch Đằng và qua hai chi lưu của sông Bạch Đằng là sông Chanh và sông Rút. Nên chăng việc đặt tên, đổi tên các cây cầu này nên gắn với địa danh sông Bạch Đằng và các danh nhân đã làm nên ba lần chiến thắng vĩ đại năm 939, 981 và 1288 trên dòng sông này.
Trên đường cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh có “cầu Bạch Đằng”, “cầu Sông Rút”, “cầu Sông Chanh” (các tên theo dự án), các tên này đều gắn với Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, nên giữ nguyên tên gọi của dự án.
“Cầu Sông Chanh” ở gần bến Ngự và bến đò Chanh (tên đặt năm 2001) để tránh trùng tên cầu Sông Chanh trên cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh, nên đổi tên thành “cầu Bến Ngự” (địa danh gắn với sự kiện vua Lê Thánh Tông đem quân diễu võ trên sông Bạch Đằng đã đặt hành dinh tại bến sông Chanh và làm bài thơ nổi tiếng “Bến Ngự An Bang”. Bến Ngự cũng là nơi vua quan nhà Nguyễn cập bến để lên thành cổ Quảng Yên).
Cầu Sông Chanh 2 (tên của dự án) ở khu vực bến Đò Lá cũ nên đặt tên là “cầu Ngô Quyền”. Cầu Sông Chanh 3 (tên của dự án) có đầu phía Bắc gần bãi cọc Yên Giang, phía Nam gần bãi cọc đồng Vạn Muối, nên đặt tên là “cầu Trần Hưng Đạo”. Cầu Sông Rút 2 (tên của dự án) bắc qua sông Rút, nên đặt tên là “cầu Lê Hoàn”.
Sông Bạch Đằng còn có tên gọi là sông Rừng, sông Vân Cừ. Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đang hợp tác xây dựng cây cầu thay thế bến đò Rừng. Vị trí cây cầu này bắc qua cửa sông Đá Bạch, gần với đầu nguồn sông Bạch Đằng, đề nghị TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nên đặt tên cây cầu này là “cầu Rừng” hoặc “cầu Vân Cừ” hoặc “cầu Bến Rừng” để công trình gắn với dòng sông Bạch Đằng lịch sử, hoặc gắn với bến đò cổ “đò Rừng” nơi có bà hàng nước cung cấp cho Trần Hưng Đạo lịch con nước triều và địa thế lòng sông để ngài cho xây dựng các trận địa cọc làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Về tên những con đường lớn mới mở
Hiện nay, TX Quảng Yên đã có một số tên đường gắn với chiến thắng Bạch Đằng như đường: Bạch Đằng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Đại Hành, Trần Nhân Tông, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Vua Bà và nhiều tên đường khác gắn với các danh nhân của đất nước, của thị xã và truyền thống văn hóa của Quảng Yên.
Một số tuyến đường lớn mới mở, thử nêu tên gọi như sau:
Tuyến đường tốc độ cao từ TX Đông Triều qua TP Uông Bí tới nút giao Đầm Nhà Mạc trên cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh (thuộc TX Quảng Yên). Theo dự án, tuyến đường này khác với các tuyến đường cao tốc khác. Tuyến đường có 10 làn đường, 8 làn cho xe cơ giới dành cho ô tô, hai bên là hai làn gom hỗn hợp dành cho dân sinh. Hai bên tuyến đường này có tiềm năng phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, cảng biển và khu đô thị. Do vậy tuyến đường này cần được đặt tên và nên đặt tên theo địa phận của TX Đông Triều, TP Uông Bí và TX Quảng Yên. Nên chăng đoạn chạy qua TX Đông Triều đặt tên là “đường Trần Thái Tông” gắn với khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều; đoạn chạy qua TP Uông Bí đặt tên là “đường Pháp Loa” (TP Uông Bí đã có tên đường Trần Thánh Tông và đường Trần Nhân Tông) gắn với Đệ nhị Tổ Trúc Lâm Yên Tử. Đoạn đường chạy qua TX Quảng Yên nên đặt tên là “đường Trần Thánh Tông” (TX Quảng Yên đã có đường Trần Nhân Tông) gắn với sự kiện hai vua Trần đã chỉ huy quân sĩ đánh tập hậu đoàn thuyền chiến của quân Nguyên Mông làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Tuyến đường mới mở từ đường Bạch Đằng (gần siêu thị Lan Chi) chạy qua phường Yên Giang, phường Quảng Yên và xã Tiền An tới cầu vượt cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh thuộc địa bàn xã Tiền An, nên đặt tên là “đường Lý Anh Tông” (gắn với sự kiện năm 1147 vua Lý Anh Tông đã đặt hành dinh tại huyện Yên Hưng để trấn giữ vùng Đông Bắc Tổ quốc).
Tuyến đường từ nút giao cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh thuộc địa phận Phong Hải đi xã Tiền Phong nên đặt tên là đường Trương Hán Siêu (ông nổi tiếng với tác phẩm “Bạch Đằng Giang phú”).
Bảo tồn văn hóa truyền thống, thiết nghĩ trước hết hãy bảo tồn văn hóa làng, xóm bằng một trong những việc làm hết sức cụ thể như đặt tên đường, tên phố và các công trình công cộng ở các xã, phường bằng tên các di tích lịch sử văn hóa và các địa danh làng, xóm cổ xưa.
Lê Đồng Sơn
Liên kết website
Ý kiến ()