Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:26 (GMT +7)
Vaccine ngừa ung thư da của Moderna và Merck thử nghiệm khả quan
Thứ 4, 14/12/2022 | 14:59:17 [GMT +7] A A
Nguy cơ tử vong hoặc tái phát bệnh ung thư da được tiêm tới 9 liều vaccine đã giảm 44% so với những bệnh nhân chỉ được điều trị bằng Keytruda, một loại thuốc trị liệu miễn dịch.
Ngày 13/12, các hãng dược phẩm Moderna và Merck đã công bố kết quả thử nghiệm khả quan đối với vaccine ngừa ung thư da lần đầu tiên sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA).
Trong cuộc thử nghiệm sơ bộ, 150 bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ khối u hắc tố ác tính đã được tiêm tới 9 liều vaccine chống ung thư da đang trong giai đoạn thử nghiệm, kết hợp với sử dụng thuốc điều trị ung thư da Keytruda.
Kết quả cho thấy nguy cơ tử vong hoặc tái phát bệnh đã giảm 44% so với những bệnh nhân chỉ được điều trị bằng Keytruda, một loại thuốc trị liệu miễn dịch.
Giám đốc điều hành Moderna, Stephane Bancel đánh giá đây là kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực điều trị ung thư.
Công nghệ mRNA đã mang lại sự thay đổi lớn trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và giờ đây, lần đầu tiên các nhà khoa học đã chứng minh tiềm năng của mRNA trong cuộc thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên ở khối u hắc tố.
Hai hãng dược phẩm Moderna và Merck sẽ sớm công bố toàn bộ kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu vẫn chưa được giới chuyên môn đồng kiểm chứng.
Hai hãng cũng sẽ triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 vào năm 2023, với số lượng bệnh nhân tham gia thử nghiệm nhiều hơn.
Theo tuyên bố của hãng Moderna, vaccine phòng chống ung thư hắc tố được thiết kế nhằm "kích thích hệ thống miễn dịch để bệnh nhân có thể tạo ra phản ứng chống khối u phù hợp cụ thể với dấu hiệu đột biến ung thư của họ."
Theo Moderna, ung thư hắc tố là dạng ung thư da nghiêm trọng nhất và gần 325.000 ca mắc mới đã được chẩn đoán trong năm 2020.
Khoảng 8.000 người có nguy cơ tử vong vì căn bệnh này trong năm nay.
Công nghệ mRNA đã chứng tỏ tầm quan trọng trong việc phát triển vaccine phòng chống COVID-19 và các nhà khoa học từ lâu tin rằng công nghệ này có thể giúp chống lại các virus và bệnh khác như ung thư.
mRNA là một phân tử bên trong các tế bào mang các hướng dẫn để hình thành các protein.
Các nhà khoa học có thể thiết kế chúng để tạo ra một loại protein đặc biệt trong cơ thể có thể giúp chống lại virus và các bệnh khác.
Moderna và hãng dược Pfizer-BioNTech là những hãng đầu tiên sử dụng công nghệ này để sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Hồi tháng 10, Moderna và Merck đã đồng ý cùng phát triển vaccine phòng ung thư da, theo đó, hai hãng sẽ cùng chia sẻ chi phí và lợi nhuận./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()