Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:08 (GMT +7)
Vaccine không ảnh hưởng đến chu kỳ hay khả năng sinh sản của phụ nữ
Chủ nhật, 19/09/2021 | 15:23:15 [GMT +7] A A
Theo Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm Chăm sóc sức khỏe của Anh, hiện không có bằng chứng nào cho thấy vaccine ngừa COVID-19 ảnh hưởng tới việc mang thai hoặc khả năng sinh sản của phụ nữ.
Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm Chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) khẳng định không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 với những vấn đề liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại London, MHRA đã nhận được hơn 30.000 báo cáo về các vấn đề liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Các tác dụng phụ này bao gồm kỳ kinh dài hơn bình thường, chậm kinh, hoặc chảy máu âm đạo. Số liều vaccine đã tiêm cho phụ nữ là 47 triệu liều.
MHRA cho rằng rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng rất phổ biến, gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, và số lượng phụ nữ bị ảnh hưởng rất ít.
Một số phụ nữ cũng bị thay đổi kỳ kinh sau khi nhiễm COVID-19, hoặc nhiễm bệnh với những triệu chứng kéo dài. Cơ quan này khẳng định vaccine phòng COVID-19 không liên quan đến rối loạn chu kỳ của phụ nữ.
Trước thông tin này, giới khoa học Anh khuyến cáo cần nghiên cứu rõ những hiện tượng như thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và chảy máu âm đạo sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để trấn an phụ nữ.
Trong một bài viết trên tạp chí y khoa BMJ, Tiến sĩ Victoria Male từ Đại học Hoàng gia London, cho biết phản ứng miễn dịch của cơ thể có khả năng nguyên nhân gây ra những hiện tượng trên chứ không phải do vaccine.
Hiện không có bằng chứng nào cho thấy vaccine ngừa COVID-19 ảnh hưởng tới việc mang thai hoặc khả năng sinh sản của phụ nữ.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Male cho rằng cần thực hiện các nghiên cứu về các trường hợp được báo cáo liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau tiêm để chống lại các thông tin sai lệch về vaccine.
Bà cho biết nhiều phụ nữ trẻ chần chừ không muốn tiêm vaccine phần lớn do những thông tin sai lầm rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể ảnh hưởng tới khả năng mang thai của họ trong tương lai.
Tiến sỹ Male cho rằng việc không điều tra kỹ lưỡng các trường hợp thay đổi chu kỳ kinh nguyệt sau tiêm có thể làm tăng thêm những lo ngại này.
Bà cho biết nếu các nghiên cứu xác nhận có mối liên hệ giữa tiêm chủng và sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ sẽ được chuẩn bị về sự thay đổi này, đồng thời nhấn mạnh các thông tin "rõ ràng và đáng tin cậy" là rất quan trọng đối với những phụ nữ có khả năng tính được kỳ kinh của mình.
Tiến sỹ Male cũng cho rằng các nghiên cứu trong tương lai cũng nên nghiên cứu rõ sự tác động của mọi sự can thiệp y tế đối với chu kỳ kinh nguyệt.
Các loại vaccine khác, như vaccine phòng HPV, cũng có liên quan đến những thay đổi tương tự trong chu kỳ kinh nguyệt, song có rất ít nghiên cứu về cách thức và nguyên nhân xảy ra hiện tượng này.
Các nhà khoa học nhất trí rằng vaccine không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Các thử nghiệm cho thấy tiêm chủng không làm thay đổi cơ hội mang thai tự nhiên hoặc trong quá trình điều trị sinh sản của phụ nữ.
Nghiên cứu về khả năng sinh sản của nam giới sau khi tiêm vaccine cũng cho thấy không có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
Tiến sĩ Jo Mountfield, Phó chủ tịch Đại học Sản khoa và Phụ khoa Hoàng gia (RCOG), cho biết vaccine có thể liên quan tới những thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, song nhìn chung chỉ kéo dài trong một hoặc hai chu kỳ.
Bà khuyến nghị bất cứ ai bị chảy máu nhiều bất thường, đặc biệt sau khi đã mãn kinh, cần trao đổi với chuyên gia y tế để được tư vấn song nhấn mạnh hiện tượng này không có nguy cơ gây hại lâu dài.
Tiến sỹ Mountfield cho biết không có bằng chứng cho thấy những thay đổi tạm thời này sẽ có bất kỳ tác động nào tới khả năng sinh sản trong tương lai của phụ nữ.
Theo RCOG, tiêm chủng là "biện pháp bảo vệ tốt nhất" chống lại COVID-19, đặc biệt đối với phụ nữ có kế hoạch mang thai, bởi phụ nữ mang thai chưa được tiêm phòng có nguy cơ bị mắc bệnh nặng do COVID-19 cao hơn những phụ nữ khác trong cùng độ tuổi./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()