Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:34 (GMT +7)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV lần đầu chất vấn về lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường
Thứ 4, 09/03/2022 | 21:19:21 [GMT +7] A A
Theo dự kiến chương trình được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quyết định, sáng 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thường kỳ thứ 9. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc để tổ chức hoạt động chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn hai nhóm vấn đề liên quan lĩnh vực công thương và lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Theo đó, trên cơ sở các nguồn thông tin và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đề xuất chất vấn của đại biểu Quốc hội thông qua văn bản tập hợp kiến nghị của 52 Đoàn đại biểu Quốc hội; phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2; ý kiến về kinh tế, xã hội được đại biểu Quốc hội quan tâm từ kỳ họp thứ 2 đến trước phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề.
Nhiều bộ trưởng tham gia giải trình
Cụ thể, với lĩnh vực công thương, nội dung chất vấn tập trung về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Công thương; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.
Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nội dung chất vấn tập trung về việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Bên cạnh đó là trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan lĩnh vực này.
Nội dung quan trọng khác là việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan.
Hỏi 1 phút, trả lời không quá 3 phút
Theo Kế hoạch số 124/KH-UBTVQH15, dự kiến vào ngày 16/3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày để tổ chức phiên chất vấn.
Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam để cử tri theo dõi, giám sát.
Theo chương trình làm việc dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này cũng sẽ xem xét dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Các đại biểu dự phiên họp thảo luận, xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế và một số nội dung khác.
Một số nội dung quan trọng khác tại phiên họp thứ 9:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo: Công tác dân nguyện tháng 2/2022 của Quốc hội; xem xét dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động; kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Đồng thời, xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; xem xét đề nghị của Chính phủ về bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo dự kiến, phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 10/3 và dự kiến bế mạc vào ngày 25/3/2022. Phiên họp được tổ chức làm 2 đợt:
Đợt 1 diễn ra từ ngày 10 đến 16/3/2022 (trong đó, lần đầu tiên hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức tại phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 16/3);
Đợt 2 diễn ra từ ngày 22 đến 25/3/2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()