Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:33 (GMT +7)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự
Thứ 3, 14/02/2023 | 18:59:45 [GMT +7] A A
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự mà thiết kế phương án hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 20, chiều 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Hai phương án về Quỹ Phòng thủ dân sự
Báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết về khái niệm "Phòng thủ dân sự" (khoản 1), có ý kiến đề nghị bổ sung tại khoản này nội dung "hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trở lại trạng thái bình thường" nhằm thể chế đầy đủ Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng khái niệm "Phòng thủ dân sự" tại dự thảo Luật Chính phủ trình đã kế thừa các quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng năm 2018, đồng thời bổ sung cụm từ "khắc phục hậu quả" vào trước từ "chiến tranh" để thể chế Nghị quyết số 22/NQ-TW.
Nội dung trên đã được Luật hóa trong các quy định của dự thảo Luật, trong đó tập trung ở nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự (Điều 3), chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự (Điều 4) và quy định về hoạt động khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa (Mục 4 Chương II).
Do đó, để bảo đảm tính khái quát, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cho giữ khái niệm phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình.
Về Quỹ Phòng thủ dân sự (Điều 44), hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình, vì cho rằng, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài chính, nguồn lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra là rất lớn, cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng của sự cố, thảm họa. Hiện nay có nhiều dạng sự cố hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định này với lý do: Hằng năm, ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…
Nhiệm vụ chi của Quỹ phòng thủ dân sự trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Hiệu quả của Quỹ này không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nên nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư Quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng. Việc khắc phục hậu quả vẫn chủ yếu là ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, nguồn thu của Quỹ chỉ do điều tiết từ các quỹ khác là không phù hợp. Việc hình thành Quỹ phòng thủ dân sự sẽ dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của Quỹ phòng, chống thiên tai và Quỹ phòng, chống dịch, trong khi tính chất của hai quỹ này khác nhau. Do đó, việc thành lập Quỹ là không cần thiết và chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và quy chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Cơ quan soạn thảo tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị giữ quy định như dự thảo Chính phủ trình, có chỉnh lý một số nội dung. Trong khi đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự mà thiết kế phương án hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết.
Thường trực Ủy ban xây dựng hai phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, phương án 1: Giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình (tại điểm b khoản 2 Điều 43 và Điều 44).
Phương án 2: Bỏ Điều 44 dự thảo Luật Chính phủ trình (Quỹ Phòng thủ dân sự) và sửa điểm b khoản 2 Điều 43 (Tài chính, lực lượng, phương tiện, dữ trữ cho phòng thủ dân sự) thành "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố."
Việc chỉnh sửa này xuất phát từ kinh nghiệm của việc thành lập Quỹ vaccine thời gian qua, thể hiện sự linh hoạt trong huy động kịp thời nguồn lực cho các tình huống đặc biệt cấp bách.
Đảm bảo công khai, minh bạch
Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá so với phiên bản đầu tiên, dự thảo Luật trình lần này đã có bước tiến lớn về nội dung; các quy định đảm bảo chặt chẽ, chất lượng cao hơn.
Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tích cực tiếp thu các nội dung được cho ý kiến, nhất là về cấp độ phòng thủ dân sự.
Về nội dung liên quan đến Quỹ Phòng thủ dân sự, bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng việc quản lý và sử dụng Quỹ trong thực tế có xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế cho thấy, cần thiết phải có Quỹ này. Do đó, cần thiết kế phương án để kết hợp các nội dung của phương án 1, phương án 2, đưa ra quy định phù hợp, đảm bảo Quỹ này được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng theo phương án như Chính phủ trình sẽ không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, bởi hằng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… Nhiệm vụ chi của Quỹ Phòng thủ dân sự trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ ủng hộ phương án: trong trường hợp cấp bách, Chính phủ thành lập quỹ theo thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm, dù theo phương án nào cũng cần có quỹ để thực hiện phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, vấn đề đại biểu quan tâm là làm thế nào để minh bạch, công khai trong sử dụng quỹ.
Giải trình tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị.
"Hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Một khi đã xảy ra sự cố, thảm họa thì gây ra ảnh hưởng rất lớn. Do đó, nếu có sẵn nguồn lực trong tay, khi sự cố, thảm họa xảy ra, chúng ta có thể sử dụng ngay để giải quyết được vấn đề cấp thiết trước mắt," Thượng tướng Nguyễn Tân Cương chỉ rõ./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()