Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:37 (GMT +7)
Năm 2022, cả nước phấn đấu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương
Thứ 5, 06/01/2022 | 15:04:50 [GMT +7] A A
Sáng ngày 6/1, tại thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ngành thành viên.
Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông cả nước tiếp tục có chuyển biến tốt. Cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, tính đến 14/12/2021, tai nạn giao thông giảm 3.496 vụ, số người chết giảm 1.068 người, số người bị thương giảm 3.143 người. Ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính trước khi đợt dịch Covid-19 bùng phát cơ bản được kiểm soát.
Công tác đăng ký phương tiện đã được Bộ Công an tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đổi biển số nền vàng cho xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải. Tính đến 14/12/2021, toàn quốc đăng ký mới 428.841 xe ô tô, trên 2,5 triệu xe mô tô, 140.565 xe máy điện.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình trật tự an toàn giao thông cả nước còn diễn biến phức tạp. Số người chết do tai nạn giao thông trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020. Mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông. Số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra có giảm nhưng vẫn còn không ít; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tình hình vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ cả nước vẫn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ còn xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa tại một số địa phương. Vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải… dẫn đến đường bộ ở nhiều nơi bị xuống cấp nghiêm trọng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ người dân đi lại di chuyển trong thành phố và liên vùng của tỉnh trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh đã tổ chức lập chốt kiểm soát ngay từ điểm vào tỉnh, hoạt động vận tải khách nội tỉnh cả năm 2021 không bị dừng, giãn; đảm bảo 100% tần suất đi lại của người dân. Đối với vận tải hàng hóa, tỉnh triển khai cấp mã, thẻ hoạt động vận tải “Luồng xanh” theo hướng dẫn của Bộ GTVT; hỗ trợ các địa phương lân cận trong cấp thẻ Luồng xanh; tổ chức kiểm soát người đi/ đến từ vùng dịch bằng nhiều hình thức như: kiểm soát tại điểm ra/ vào tỉnh, kiểm soát ở kho bãi, cửa khẩu…; áp dụng các giải pháp công nghệ kiểm soát linh hoạt trong điều hành vận tải từ “tiền kiểm” tại các chốt kiểm soát vào tỉnh sang “hậu kiểm” tại điểm giao nhận hàng hóa, hành khách, đảm bảo thông suốt, kể cả khi dịch bệnh bùng phát phức tạp đảm bảo không ùn tắc giao thông.
Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện lắp đặt camera giám sát, xử lý vi phạm phục vụ điều hành cho hệ thống giao thông thông minh trên tuyến Quốc lộ 18 qua địa bàn TX Đông Triều, các thành phố: Uông Bí, Hạ Long, Móng Cái. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai công nghệ khai báo điện tử; sử dụng hệ thống camera tự động quét mã QR kiểm soát người ra/ vào tại các chốt cửa ngõ ra vào tỉnh, tích hợp các dữ liệu về khai báo và di chuyển nội địa; xây dựng website nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch, quản lý người dân ra vào tỉnh, trong đó có các thủ tục khai báo, di chuyển nội địa, mục hỏi đáp... tạo thuận lợi cho người dân di chuyển; sử dụng công nghệ AI để khai báo và nhận diện, áp dụng hình thức khai báo điện tử không dừng, không để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.
Nhờ đó, Quảng Ninh đã thực hiện tốt việc quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ người dân đi lại di chuyển trong địa bàn và liên vùng; đảm bảo lưu thông, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đảm bảo hoạt động vận tải, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hết năm 2021, doanh thu từ vận tải hàng hóa trên địa bàn đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2020; về hành khách đã luân chuyển hơn 66 triệu hành khách liên tỉnh và nội tỉnh; qua đó góp phần giữ vững tỷ lệ tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh duy trì đạt 2 con số.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu năm 2022 giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10% là nhiệm vụ rất lớn. Do đó, yêu cầu Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn quốc, từ cấp Trung ương đến cơ sở ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2022. Kiện toàn ngay các thành viên Ủy ban An toàn giao thông từ tỉnh đến địa phương; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, thể chế, chính sách pháp luật.
Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đảm bảo chất lượng, kết cấu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; đồng thời quan tâm, xử lý các điểm đen về an toàn giao thông; nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật, hoàn thiện quy chuẩn, kỹ thuật các phương tiện giao thông vận tải. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu vận tải, nâng cao chất lượng hệ thống giao thông đường sắt, giảm tải cho đường bộ; chú trọng xây dựng văn hóa giao thông an toàn, trong đó trọng tâm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia giao thông.
Nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật, cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông; đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()