Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:32 (GMT +7)
Ưu tiên nguồn vốn cho hộ khó khăn phát triển sản xuất
Thứ 5, 04/01/2024 | 06:15:55 [GMT +7] A A
Mức chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh hiện cao hơn khoảng 1,4 lần so với mức chuẩn nghèo quy định của Chính phủ. Theo rà soát, Quảng Ninh hiện chỉ có 246 hộ nghèo, chiếm 0,064% tổng số dân toàn tỉnh và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số dân toàn tỉnh. Kết quả này có được là nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Thực hiện Nghị quyết 166/NQ-HĐND (ngày 31/10/2023) về việc điều chỉnh, bổ sung và phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3470/QĐ-UBND (ngày 13/11/2023) về việc điều chỉnh, bổ sung và phân bổ dự toán chi, bù hụt thu tiền sử dụng đất ngân sách cấp tỉnh năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh điều chỉnh giảm trên 25 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên để bổ sung chi đầu tư phát triển khác. Nguồn kinh phí này được ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn địa phương năm 2023 theo Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND. Bằng nguồn vốn này, Ngân hàng đã kịp thời phân khai cho các địa phương triển khai cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Với những hộ dân mới thoát nghèo còn nhiều khó khăn như gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu) nguồn vốn tín dụng chính sách đến kịp thời là động lực quan trọng thôi thúc ý chí vươn lên của gia đình chị. Nhờ được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND, chị Thúy có vốn để mở rộng diện tích rừng, từ đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Chị Thúy cho biết: Cây quế dễ chăm sóc, thích hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt. Ở địa phương tôi gần đây cây quế còn được nhiều thương lái thu mua, đầu ra sản phẩm khá ổn định nên mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Với số vốn được vay được, gia đình tôi sẽ trồng thêm 1ha quế và nâng diện tích trồng rừng lên 15ha. Chỉ ít năm nữa, khi được thu hoạch, cây quế chắc chắn mang lại cho gia đình tôi nguồn thu đáng kể, không còn là hộ cận nghèo, cuộc sống sẽ đủ đầy hơn.
Anh Lục Văn Cẩu (thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) cho biết: Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của tỉnh đã kịp thời hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách cho người dân. Với số vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, tôi đã đầu tư để phát triển đàn gia súc, gia cầm; gia đình tôi phấn đấu hết năm sau sẽ thoát cận nghèo.
Xác định được vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm xây dựng các chương trình tín dụng đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, như: Cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo theo Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND, chương trình cho vay phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND, cho vay hỗ trợ hợp tác xã… Trên cơ sở đó, tỉnh bố trí nguồn lực từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh triển khai các chương trình. Riêng năm 2023, nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác cho vay là gần 300 tỷ đồng.
Với đa dạng các nguồn vốn, tính đến hết năm 2023, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã cho 26.342 lượt người dân vay vốn với số tiền trên 1.810 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2022. Trong đó, có 432 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; 21.596 lượt khách hàng vay vốn tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm và cho vay nhiều chương trình khác…
Vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, được vay tín chấp với hồ sơ thủ tục đơn giản, thực hiện ngay tại cấp thôn, khu phố nơi người vay cư trú, trực tiếp đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống người dân; tạo nguồn lực quan trọng giúp cho 1.320 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo của tỉnh.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư trải dài đến 100% các thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo đã giúp nhiều người dân có vốn kịp thời để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()