Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:40 (GMT +7)
Để mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm
Thứ 4, 03/05/2023 | 07:28:07 [GMT +7] A A
Những địa phương miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh ngày càng có nhiều đổi thay, nông thôn mới trù phú hiện hữu... Để có được thành quả đó, cùng với sự hỗ trợ của trung ương, thời gian qua tỉnh đã ưu tiên dành nguồn lực lớn để không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, để mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Từ chủ trương đến những chính sách ưu tiên phát triển
Quảng Ninh có 1 thành phố, 2 huyện biên giới (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu), 2 huyện đảo (Vân Đồn, Cô Tô), 16 xã, phường, thị trấn biên giới đất liền và 11 xã đảo; là tỉnh duy nhất trong nước có biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc.
Với mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững ANTT ở khu vực biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bám sát định hướng của trung ương, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực tập trung phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Điển hình, tỉnh đã xây dựng, triển khai Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; triển khai Nghị quyết số 23/NQ-CP (ngày 2/3/2022) của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, quyết nghị và đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai với mục tiêu cao hơn “Vì lợi ích của người dân”. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV, đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế, cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn; giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện KT-XH địa phương; người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây cũng là chính sách an sinh xã hội hướng đến nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Ở địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhất là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp được kết hợp triển khai đồng bộ với giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); đặc biệt thực hiện Đề án giao đất, giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh đã hỗ trợ trên 5,815 tỷ đồng cho 235 hộ dân trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa.
Tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các điều ước quốc tế và thỏa thuận liên quan đến biên giới lãnh thổ, làm tốt công tác quản lý biên giới và thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Tỉnh tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại lớn. Điển hình, đầu tháng 2/2023, tại tỉnh Hà Giang diễn ra Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2023. Tại chương trình, các bên thống nhất tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể; thúc đẩy khôi phục các hoạt động giao lưu, hợp tác đã bị tạm dừng trong thời gian dịch Covid-19; triển khai bình thường hóa các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại hai bên. Đồng thời thúc đẩy 2 nước sớm ký kết Thỏa thuận khung xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, làm cơ sở xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động giao thương, trao đổi hàng hoá qua biên giới; tháo gỡ khó khăn, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu được tỉnh tăng cường chỉ đạo. Trong năm 2022, kim ngạch XK đạt 2.783 triệu USD, kim ngạch NK của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 3.047 triệu USD; thu từ hoạt động XNK tỉnh đạt 14.500 tỷ đồng, riêng thu ngân sách XNK qua đường bộ tăng khoảng 500 tỷ đồng; quý I/2023 Quảng Ninh thu từ hoạt động XNK đạt 3.530 tỷ đồng.
Hoàn thiện hạ tầng - Gắn kết vùng, miền
Xác định hoàn thiện hạ tầng giao thông là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển KT-XH, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư nhiều dự án trọng điểm. Trong năm 2022, Quảng Ninh hoàn thành và đưa vào sử dụng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Quảng Ninh hiện trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất nước, góp phần tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo nguồn lực mới.
Nhiều dự án tiếp tục được bố trí vốn để triển khai: Đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT Cửa khẩu Móng Cái, đoạn từ cầu Voi, xã Vạn Ninh đến tỉnh lộ 335 (giai đoạn 1); Cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1); đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; Khu hợp tác kinh tế qua biên giới khu vực đầu cầu Bắc Luân II... Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 (QL18C) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà (giai đoạn 2) đang được gấp rút thi công.
Tuyến đường hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, tạo động lực phát triển KT-XH của TP Móng Cái, huyện Hải Hà nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng biên giới để thực hiện chủ trương ổn định và di dân vùng biên giới, kết hợp giữa phát triển KT-XH với bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.
Tỉnh ưu tiên nguồn ngân sách tỉnh và địa phương để đầu tư, xây dựng, nâng cấp nhiều trường học theo tiêu chí chất lượng cao tại huyện biên giới đất liền (Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái), kinh phí trên 300 tỷ đồng. Điển hình: Xây mới các Trường THPT: Bình Liêu (huyện Bình Liêu), Đường Hoa (huyện Hải Hà); xây dựng, nâng cấp Trường THPT Trần Phú (TP Móng Cái)... Hạ tầng viễn thông, điện, giáo dục đào tạo... cũng được tỉnh triển khai đồng bộ, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Hết năm 2022, tỉnh có 98 xã đạt chuẩn NTM, 54 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 26 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó 2 địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh, gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn.
Quảng Ninh về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của trung ương. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương (Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn) không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()