Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 21/01/2025 10:16 (GMT +7)
Ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông miền núi
Thứ 3, 21/01/2025 | 09:14:59 [GMT +7] A A
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, từ giữa năm 2024, tỉnh Quảng Ninh triển khai Đề án cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 đã mang lại niềm vui và mở ra những cơ hội mới phát triển kinh tế - xã hội cho người dân.
Tuyến đường của thôn Cái Gian, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ kết nối với đường tỉnh 330B có chiều dài gần 1,3km. Đây là tuyến giao thông quan trọng của người dân trong thôn. Tuy nhiên, tuyến đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn bị xuống cấp khiến cho sinh hoạt và sản xuất, vận tải lâm sản của người dân gặp không ít khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ.
Trước khó khăn của người dân, từ giữa năm 2024, huyện Ba Chẽ đã dành nguồn kinh phí trên 13 tỷ đồng để thực hiện Dự án cải tạo, mở rộng tuyến đường, đồng thời vận động nhân dân hiến cây, hiến đất để làm đường. Được sự ủng hộ của nhân dân, việc thi công diễn ra thuận lợi, tuyến đường được hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 trong niềm vui mừng, phấn khởi của người dân. Ông Đặng Văn Phú, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Cái Gian (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: Để người dân hiểu và đồng thuận, các Đảng viên trong Chi bộ thôn đã gương mẫu đi đầu phong trào hiến đất làm đường. Đồng thời tuyên truyền, thuyết phục trực tiếp hoặc thông qua chi bộ, già làng trưởng bản có uy tín, họ hàng, dòng tộc để tạo ra những hiệu ứng lan tỏa trong thôn, trong xã. Với cách làm đó, người dân trong thôn đã hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng quê hương và người dân thôn Cái Gian đã đồng tình hưởng ứng hiến đất, hiến cây để mở rộng và thảm nhựa tuyến đường trục chính của thôn.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Thực hiện đề án Cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Ba Chẽ đã xây dựng phương án phát triển giao thông trên địa bàn với tổng số 42 dự án; trong đó giai đoạn 2024-2025 có 20 dự án, với tổng chiều dài khoảng 30,7km; kinh phí thực hiện khoảng 371,1 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 có 22 dự án, với tổng chiều dài khoảng 134,8km; kinh phí thực hiện khoảng 2.205,2 tỷ đồng. Trong năm 2024, huyện Ba Chẽ đã đầu tư được 15 dự án với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng. Đến nay các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế cho bà con.
Triển khai Đề án cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh, các địa phương đã tích cực vào cuộc, đảm bảo theo lộ trình đề ra. Trong đó riêng năm 2024, tỉnh hỗ trợ 6 địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn với tổng nguồn vốn gần 760 tỷ đồng. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư cao nhất, tất cả các tuyến đường đều được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, nhân dân hiến đất dịch tường rào, Nhà nước đầu tư cải tạo, mở rộng mặt đường từ 3,5m lên trên 5,5m, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước. Những đoạn qua khu đông dân cư được đầu tư thêm vỉa hè và cây xanh đồng bộ với cảnh quan khu vực. Với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân và nỗ lực trong thi công của các chủ đầu tư, đơn vị thi công, đến nay đã có trên 40 tuyến đường hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo và đưa vào sử dụng.
Quảng Ninh là tỉnh miền núi ven biển, có địa hình phức tạp, vì vậy việc đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là về giao thông ở khu vực nông thôn, miền núi cần nguồn kinh phí rất lớn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 250 tuyến đường giao thông khu vực nông thôn, miền núi chỉ có 1 làn xe tương đương với bề rộng mặt đường từ 2,5-3m với tổng chiều dài hơn 700km. Những tuyến đường nhỏ hẹp đã không còn phù hợp với xu thế phát triển và không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các chủng loại phương tiện vận tải có tải trọng lớn và nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân.
Vì vậy, đẩy nhanh “Đề án cải tạo giao thông nông thôn giai đoạn 2024-2025 định hướng đến năm 2030” sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi thay diện mạo khu vực nông thôn miền núi, hướng mục tiêu đến năm 2030: Quảng Ninh có 100% số xã đạt chuẩn NTM bền vững; có 70% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 40% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập của người dân khu vực nông thôn bằng 3 lần so với năm 2020.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()