Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:16 (GMT +7)
Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển nhân lực chất lượng cao
Thứ 7, 11/09/2021 | 07:37:33 [GMT +7] A A
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Quảng Ninh. Chính vì vậy, tỉnh đã tích cực lên kế hoạch, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho việc đào tạo, xây dựng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ưu tiên cho những ngành nghề thế mạnh
Là trường đại học đầu tiên thuộc tỉnh được thành lập và xây dựng theo hướng trường đại học đa ngành, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trường Đại học Hạ Long đã và đang dần xây dựng được danh tiếng và vị thế là một trường có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của hoạt động giáo dục đào tạo, nhất là đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành nghề thế mạnh của địa phương như: Du lịch, ngôn ngữ, thủy sản... tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho Trường Đại học Hạ Long, như: Đãi ngộ riêng cho giảng viên trình độ cao, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn, đồ dùng học tập cho sinh viên. Theo đó, sinh viên các nghề: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, nuôi trồng thủy sản, ngôn ngữ Hàn Quốc, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung Quốc... được xem xét hưởng mức hỗ trợ tối đa lên tới hơn 150 triệu đồng trong bốn năm học nếu có thành tích cao từ đầu vào và suốt quá trình học tập; được hỗ trợ tuyển dụng làm việc tại Quảng Ninh. Đây đều là những ngành nghề rất cần thiết cho sự phát triển KT-XH của địa phương thời gian tới.
Đến nay, các chính sách dành riêng cho Trường Đại học Hạ Long đã hỗ trợ cho hơn 5.000 lượt sinh viên, giúp Trường liên tục có những bước tiến đáng kể về tỷ lệ sinh viên hệ đại học. Qua các năm học, thông qua các hội nghị kết nối doanh nghiệp do nhà trường tổ chức, nhiều sinh viên Trường Đại học Hạ Long đã được tuyển dụng làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngay sau khi rời giảng đường. Quá trình làm việc tại các đơn vị, nhiều sinh viên nhà trường được đánh giá cao về kiến thức nền tốt, khả năng thích ứng với công việc nhanh, hiệu quả.
Sau hơn 6 năm thành lập, với chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Hạ Long đã thu hút được hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ vào làm việc và nhiều lượt phó giáo sư, tiến sĩ về thỉnh giảng. Đến nay, trong tổng số 295 cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên, nhân viên, Trường đã có 36 người trình độ tiến sĩ, 194 người trình độ thạc sĩ. Hiện nhà trường có 3 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh (chuyên ngành tiếng Anh, Việt Nam học và Hóa học).
Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Các cơ chế chính sách hỗ trợ, đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã đóng vai trò đòn bẩy, có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, đặc biệt trong giai đoạn đầu mới thành lập. Nhờ đó, Trường Đại học Hạ Long đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu, vị thế đối với học sinh và phụ huynh trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Năm học 2020-2021 chúng tôi tuyển được hơn 1.000 sinh viên hệ đại học, tăng 13% so với năm học trước; kết thúc năm học, trong 560 sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp, có trên 65% xếp loại từ khá trở lên. Cơ sở vật chất của nhà trường đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo khoảng 6.000 sinh viên hệ chính quy.
Theo thống kê, 90% sinh viên của 2 khóa đào tạo đại học đầu tiên của trường ngay khi ra trường đều có việc làm ngay. Đặc biệt, có những ngành như ngôn ngữ tiếng Trung, toàn bộ sinh viên trong thời gian thực tập đã được doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.
Cùng với Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh cũng là một trong những điểm sáng của tỉnh trong đào tạo nhân lực chất lượng cao trong mảng giáo dục đào tạo nghề. Trong thời gian qua, nhà trường đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, đầu tư nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Trong đó đáng kể nhất là Dự án đầu tư xây dựng Trường cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh với 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư gần 330 tỷ đồng. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 165 tỷ đồng (nguồn vốn ODA của Hàn Quốc là 5,4 triệu USD - tương ứng 112,207 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng là gần 54 tỷ đồng) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 160 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh hiện chuẩn bị được triển khai.
Cùng với việc đầu tư xây dựng, Dự án đầu tư đào tạo ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2018-2020 của Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng đã và đang giúp nhà trường từng bước tập trung đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị dạy nghề cho các nghề chất lượng cao trình độ quốc tế. Nhờ đó, đến nay 5 ngành nghề đào tạo của nhà trường gồm: Cắt gọt kim loại, hàn, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp và công nghệ ô tô đã đạt chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề Hàn Quốc, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc có cấp độ quốc tế. Đây đều là những ngành đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng và phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Thêm cơ chế, chính sách mới
Ngay từ rất sớm, Quảng Ninh đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bước đi đột phá đầu tiên của tỉnh phải kể đến là việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 9/6/2014 về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ năm 2015, tỉnh cũng tập trung triển khai đề án Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 293) với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng.
Qua 5 năm triển khai Nghị quyết 15 và Đề án 293, tỉnh đã tổ chức 702 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 39.577 lượt học viên. Trong đó đào tạo, bồi dưỡng trong nước 571 lớp, 35.542 lượt học viên; đào tạo, bồi dưỡng trong nước mời giảng viên nước ngoài 77 lớp, 2.774 lượt học viên; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 54 lớp, 1.261 lượt học viên. Đội ngũ cán bộ đương chức và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp sở và cấp phòng của tỉnh cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm.
Với Nghị quyết 15 và Đề án 293, giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã chi gần 22.000 tỷ đồng từ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015. Nguồn nhân lực của tỉnh hiện có gần 800.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 85%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước và đang chuyển dịch tích cực. Toàn tỉnh có 42 cơ sở đào tạo nghề, trung bình tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 34.000-35.000 người/năm.
Mặc dù vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Trong báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2015-2020 trình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã chỉ rõ: “Quảng Ninh vẫn còn hạn chế về sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao so với yêu cầu phát triển của tỉnh”.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Giai đoạn 2016-2020, chỉ có khoảng 16% nhân lực được đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp, còn lại đa số là đào tạo ngắn hạn, dưới 3 tháng. Việc phân luồng sau giáo dục phổ thông và cơ cấu tuyển sinh đào tạo nghề cũng chưa hợp lý. Mặt khác, trên cơ sở dự báo năm 2025 cần tăng thêm hơn 100.000 lao động, riêng trong các KCN cần tuyển trên 54.000 lao động; trong khi hiện nay hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có thể nhiều nhưng chưa mạnh, chất lượng tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở này còn hạn chế.
Với sự tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây, đặc biệt là định hướng chuyển dịch kinh tế từ "nâu" sang "xanh", nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Quảng Ninh đều đang "khát" nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dịch vụ, du lịch cũng đòi hỏi lượng lớn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự quan tâm của các nhà đầu tư dành cho Quảng Ninh, dự kiến năm 2025 số lượng lao động cho các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh là trên 132.000 người. Trong đó, nhu cầu về lao động có trình độ đại học trở lên khoảng 10.600 người, cao đẳng khoảng 7.600 người, trung cấp 7.500 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 7.400 người, lao động chưa qua đào tạo 99.000 người. Đây chính là thách thức trực tiếp đối với tỉnh.
Để tháo gỡ nút thắt này, hiện tỉnh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó xác định tầm nhìn chiến lược nhằm phát triển nguồn nhân lực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng, phấn đấu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Tiếp tục triển khai bài bản công tác phát triển nguồn nhân lực theo hướng vừa đào tạo và bồi dưỡng, vừa thu hút nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh cần. Đồng thời, tiếp tục coi nguồn nhân lực chất lượng cao từ đội ngũ CBCCVC đến lực lượng lao động là một trong những yếu tố quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành địa bàn phát triển năng động, thu hút đầu tư, phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn tiếp tục được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược quan trọng ở nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh đặc biệt ưu tiên, coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.
Ngay trong đầu nhiệm kỳ 2020-2025, hàng loạt các quyết sách quan trọng liên quan đến giáo dục đào tạo, đặc biệt là thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được tỉnh xem xét, thông qua. Mới đây nhất, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND (ngày 27/8/2021) về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
Theo đó, sinh viên các chuyên ngành nghề thuộc diện thu hút đào tạo sẽ được hỗ trợ: Tối đa đến 30 triệu đồng dựa theo kết quả trúng tuyển đầu vào; 30-50 triệu đồng nếu đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi hoặc kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Nghị quyết còn quy định về mức hỗ trợ tiền đóng học phí hàng tháng, hỗ trợ tiền ăn và chi phí học tập cho sinh viên có kết quả đầu vào tốt và cam kết về việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Tổng mức hỗ trợ tối đa sinh viên có thể nhận được trong quá trình học tập khoảng 150 triệu đồng/sinh viên/khóa. Đối với mức hỗ trợ giảng viên thu hút vào giảng dạy tại trường hoặc giảng viên được nhà trường cử đi đào tạo nâng cao trình độ đối với những nghề phục vụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, mức tối đa lên đến 300 triệu đồng/giảng viên.
Nghị quyết được ban hành đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng rất cao của các thầy, cô giáo, các học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn. Đây tiếp tục là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()