Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:14 (GMT +7)
Ưu tiên ngân sách nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn xe
Thứ 4, 07/06/2023 | 23:12:24 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương sớm tìm nguồn vốn để hoàn thiện kế hoạch mở rộng, nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn xe như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng
Phát biểu trong phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải chiều 7/6, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ Giao thông vận tải đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án.
Đại biểu nêu dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì Bộ Giao thông vận tải đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản.
Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.
Cách đây 10-15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn trong khi nguồn lực có hạn. Thời điểm đó, chúng ta tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế-xã hội phát triển, chúng ta xây dựng các quy hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại vẫn thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối. Chính vì vậy, nhiều dự án bị ảnh hưởng.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng. “Đơn cử, vừa rồi khánh thành tuyến đường Bình Thuận - Dầu Giây - Phan Thiết, riêng tháng vừa rồi, tuyến BOT trên Quốc lộ 1A giảm tới 83% doanh thu tại Bình Thuận, chỉ còn 17%, vì đi những tuyến này vừa nhanh, vừa vắng, lại không mất tiền”.
Vì thế, ngay trong Luật PPP cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, thì Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp.
Khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Đối với dự án này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư.
“Sắp tới, cùng với việc trình, tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội về cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tham mưu Chính phủ trình về cơ chế xử lý với các dự án BOT bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Nhiều tuyến cao tốc ban đầu chỉ đủ nguồn lực làm 2 làn xe
Nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ luôn đưa ra chỉ đạo không đầu tư các tuyến cao tốc 2 làn xe.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang có 2 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam là Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan chỉ có 2 làn xe dẫn đến không phát huy hiệu quả đầu tư, gây ùn tắc giao thông. Nhiều phương tiện vẫn phải lựa chọn phương án sử dụng Quốc lộ 1.
“Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch rà soát để nâng cấp và mở rộng các tuyến cao tốc quy mô nhỏ lên 4 làn xe như thế nào trong thời gian tới?”, đại biểu Hải đặt câu hỏi.
Đối với nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh hay 6-8 làn xe là nhu cầu đúng đắn, cần thiết.
Thủ tướng luôn chỉ đạo cố gắng đầu tư tuyến nào hoàn thành tuyến đó, song thực tế vừa qua, nhiều tuyến do nguồn lực có hạn nên chỉ đủ ngân sách làm 2 làn xe, một phần do ban đầu, lưu lượng xe qua các tuyến này cũng không lớn.
Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về việc hạn chế làm các tuyến cao tốc 2 làn xe, Bộ trưởng cho biết qua tổng hợp, có 5 tuyến cao tốc hiện nay có 2 làn xe, trong đó có 2 tuyến ở Thừa Thiên Huế như đại biểu Hải nêu.
Tư lệnh ngành giao thông vận tải nhìn nhận một số hạn chế nhất định như: có tuyến cho phép phương tiện lưu thông hỗn hợp; một số tuyến chưa đạt tiêu chuẩn giao khác mức, chưa có dải phân cách nên nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; tốc độ khai thác, lưu thông còn hạn chế…
Chính vì vậy, để đồng bộ, hiện đại, khai thác có hiệu quả và bảo đảm an toàn thì quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng về ưu tiên nguồn ngân sách tập trung nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn là rất đúng đắn.
“Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc tiếp thu và sẽ phối hợp các Bộ, ngành, địa phương sớm tìm nguồn vốn để hoàn thiện kế hoạch mở rộng, nâng cấp các tuyến cao tốc này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()