Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:35 (GMT +7)
Ưu tiên hàng đầu cho nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ 4, 04/08/2021 | 08:45:03 [GMT +7] A A
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh ưu tiên số 1, coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của địa phương trong giai đoạn mới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất lớn và đóng vai trò vô cùng quan trọng, vì đây là chủ thể xây dựng các cơ chế, chính sách, đưa ra các dự báo cơ hội, thách thức và những giải pháp thực hiện có tính chất quyết định đến sự phát triển của tỉnh. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đủ tâm, đủ tầm, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện.
Đối với Quảng Ninh, xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, ngay từ năm 2014, Tỉnh ủy đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 9/6/2014 về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh; UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Từ năm 2015, tập trung triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 293) với phạm vi, quy mô toàn tỉnh, bao phủ toàn diện về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Qua 5 năm triển khai Đề án 293, tỉnh đã tổ chức 702 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 39.577 lượt học viên, trong đó: Đào tạo, bồi dưỡng trong nước 571 lớp, với 35.542 lượt học viên; đào tạo, bồi dưỡng trong nước mời giảng viên nước ngoài 77 lớp, với 2.774 lượt học viên; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 54 lớp, với 1.261 lượt học viên. Đội ngũ cán bộ đương chức và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp sở và cấp phòng của tỉnh cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm.
Với sự vào cuộc hiệu quả, cùng các giải pháp khả thi, trong vài năm gần đây, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, tỷ trọng lao động các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, quy mô nguồn nhân lực của tỉnh có hơn 780.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015). Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đó là: Khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%...
Trên cơ sở những kết quả đạt được và nhìn nhận rõ xu thế phát triển trong giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh tiếp tục lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng KHCN làm động lực phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Trong đó, tỉnh xác định tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện tỉnh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dự thảo, kinh phí thực hiện là 1.133 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ 2021-2025. Đề án sẽ tiến hành phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh để chỉ ra những bất cập và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chất lượng nhân lực của tỉnh; học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm KT-XH và phát triển.
Trên cơ sở đó, đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, bao gồm: Cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực... Trong đó cũng đưa ra dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 CBCCVC, tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh là 750 CBCCVC theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài là 1.100 CBCCVC, tương ứng 55 lớp học; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng…
Cùng với đó, tỉnh cũng đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, dự kiến hoàn thành trong quý III/2021 và nghị quyết về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2021. Tỉnh cũng sẽ có cơ chế chính sách quan tâm đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục - đào tạo định hướng cho giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề. Trường Đại học Hạ Long sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, chú trọng tới các tập đoàn, doanh nghiệp có thương hiệu đã thành công ở Quảng Ninh. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh sẽ có cơ chế thu hút, “giữ chân” người tài ngoại tỉnh ở lại lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh. Hiện địa phương đang rà soát quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội, tạo quỹ đất phát triển các quỹ nhà ở với giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh để thu hút nguồn lao động đã qua đào tạo từ ngoại tỉnh về Quảng Ninh.
Với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sẽ tiếp tục giúp Quảng Ninh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đưa tỉnh có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong các năm tới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()