Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:10 (GMT +7)
Ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới
Thứ 4, 03/11/2021 | 08:35:36 [GMT +7] A A
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ, sau 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc vận động là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian qua. Thị phần tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế như: Các hoạt động thông tin, tuyên truyền vẫn chưa đi vào chiều sâu; công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy người Việt Nam dùng hàng Việt Nam còn chậm; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; còn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước...
Do vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới và khắc phục những hạn chế nêu trên để tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam. Khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước. Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới; vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trường; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, sáng kiến kết nối cung cầu; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và phân phối thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam bền vững với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam", "Tinh hoa hàng Việt Nam", đặc biệt tại các khu vực tập trung, đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động, trong những năm qua, Quảng Ninh đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và người dân trong việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong gần 2 năm qua, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tỉnh đã đẩy mạnh kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại tỉnh như các loại nông, hải sản để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân. Đặc biệt, để phục hồi ngành du lịch bị ảnh hưởng sâu của dịch bệnh, bên cạnh chính sách kích cầu du lịch, tỉnh cũng khuyến khích người Quảng Ninh đi du lịch và sử dụng các dịch vụ tại Quảng Ninh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển, mở rộng các sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh, vừa góp phần phát triển các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền trong tỉnh, vừa tham gia tích cực vào thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()