Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:00 (GMT +7)
Uống nước 6 loại lá bán đầy chợ này giúp hạ sốt sau tiêm vaccine COVID-19
Thứ 4, 15/09/2021 | 10:47:30 [GMT +7] A A
Sau tiêm vaccine COVID-19, ngoài uống nước tía tô, kinh giới, bạn có thể tham khảo 6 loại lá cây sau như loại thảo dược hỗ trợ hạ sốt hiệu quả.
Sau tiêm vaccine COVID-19, nhiều người có thể bị sốt cao. Tuy là phản ứng bảo vệ bình thường của cơ thể nhưng nếu sốt quá cao có nguy cơ làm cơ thể mất nước, mất điện giải, gây co giật ở trẻ em (đặc biệt ở trẻ đã từng co giật do sốt cao trước đây); tăng nhịp tim quá mức gây tăng gánh nặng cho tim mạch và hô hấp, làm nặng thêm tình trạng tâm thần ở bệnh nhân sa sút trí tuệ...
Do đó việc hạ sốt khi sốt cao là một biện pháp cần thiết. Sốt sau tiêm vaccine COVID-19 là một trong các phản ứng sau tiêm khá thường gặp. Người dân sau tiêm vaccine cần thường xuyên đo thân nhiệt, nếu sốt dưới 38,5 độ C nên nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, nách, bẹn, uống đủ nước và không để nhiễm lạnh.
Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Cũng có thể sử dụng một số loại thảo dược để hỗ trợ cho việc hạ sốt sau tiêm.
1. Cỏ nhọ nồi hỗ trợ hạ sốt sau tiêm
Cỏ nhọ nồi còn có tên là hạn liên thảo. Bộ phận dùng là toàn cây trên mặt đất, có thể dùng dạng tươi hoặc khô.
Theo đông y, cỏ nhọ nồi có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận.
Cỏ nhọ nồi được dùng để chữa các chứng huyết nhiệt gây ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết, rong huyết, râu tóc sớm bạc, răng lợi sưng đau.
Để hạ sốt, có thể dùng cỏ nhọ nồi khô (12 - 20g khô/ngày) sắc uống hoặc tươi (30 - 50g tươi/ngày), giã hoặc vắt lấy nước uống. Bã thuốc có thể đắp lên thóp của trẻ sơ sinh hoặc lên trán. Khi bã thuốc khô thì bỏ đi.
2. Diếp cá (Dấp cá)
Cây rau diếp cá còn có tên gọi là ngư tinh thảo, theo đông y có vị chua cay, hơi lạnh, có mùi tanh của cá; tác dụng tán nhiệt, tiêu ung thũng, lợi tiểu, sát trùng.
Diếp cá thường được sử dụng để lợi tiểu (do chất quercitrin và isoquercitrin trong diếp cá), hoặc sắc lấy nước uống điều trị trĩ sa (kết hợp đắp bã thuốc vào búi trĩ hoặc sắc nước lấy hơi xông vùng hậu môn), chữa mụn nhọt.
Khi dùng với tác dụng hạ sốt, có thể dùng 20 – 40g dạng tươi rửa sạch, vò nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước uống. Hoặc ăn sống như các loại rau gia vị.
3. Kim ngân
Cây kim ngân còn có tên gọi là nhẫn đông, với bộ phận dùng bao gồm thân, lá, hoa kim ngân. Tác dụng của kim ngân là thanh nhiệt giải độc, tán phong nhiệt; thường được sử dụng để chữa sốt, mụn nhọt, mề đay, lở ngứa, nhiệt độc ban sởi, dị ứng, lỵ, cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt, viêm mũi dị ứng.
Kim ngân có thể được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Ngày dùng 4 - 6g (hoa) hay 15 - 30g (cành, lá), dùng dưới dạng thuốc sắc uống, thuốc hãm hoặc dưới dạng hoàn tán.
4. Sắn dây
Sắn dây (hay còn gọi là cát căn) khá quen thuộc với cộng đồng vì là thứ nước giải khát mùa hè phổ biến. Theo Đông y, sắn dây có tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân, chỉ khát, thấu chẩn, chỉ tả. Thường được dùng để chữa cảm mạo phong nhiệt; cổ gáy cứng đau; sởi, thủy đậu, ban chẩn mọc không đều; kiết lỵ kèm theo sốt, khát nước.
Ngày dùng từ 8 - 20g, dưới dạng sắc hoặc pha bột sắn dây với nước đun sôi để nguội uống khi có sốt do phong nhiệt, hoặc say nắng nóng về mùa hè. Trẻ con sốt nóng có thể dùng Cát căn 20g, sắc với 200ml nước đến khi còn 100ml, cho trẻ uống trong ngày để hạ sốt.
5. Rau má
Rau má là loại rau rất thông dụng đối với người Việt, thường được trồng trong vườn để lấy rau ăn (ăn sống/xào/nấu canh) hoặc làm thuốc.
Vị thuốc rau má có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, tiêu viêm; được sử dụng để hạ sốt, chữa mụn nhọt, vàng da, nôn ra máu, chảy máu cam, táo bón, ho, tiểu tiện rắt buốt...
Ngày dùng 30 - 40g dạng tươi, có thể vò nát, vắt lấy nước hoặc sắc uống dạng thuốc khô.
6. Bạc hà
Vị thuốc bạc hà có tác dụng sơ phong, thanh nhiệt, thấu chẩn, sơ can, giải uất, giải độc. Thường được sử dụng để chữa cảm mạo phong nhiệt, cảm cúm, ngạt mũi, nhức đầu, đau mắt đỏ, thúc đẩy sởi mọc.
Ngày dùng 12 - 20g, hãm vào nước sôi 200 ml, cách 3 giờ uống một lần.
Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, nếu bôi vào mũi hoặc cổ họng tinh dầu bạc hà và menthol có thể gây hiện tượng ức chế dẫn tới ngừng thở và ngừng tim.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()