Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:00 (GMT +7)
Uống nhiều rượu có làm ấm cơ thể?
Thứ 7, 16/03/2024 | 07:39:53 [GMT +7] A A
Thắc mắc uống nhiều rượu có làm ấm cơ thể không sẽ được chuyên gia giải đáp trong bài viết.
Theo bác sĩ bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, nhiều người quan niệm uống rượu cho ấm cơ thể nhưng dưới góc độ y khoa, đây là điều sai lầm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Cơ thể con người khi tiếp xúc với môi trường lạnh sẽ tăng chuyển hóa sản sinh nhiệt để duy trì thân nhiệt. Ở người bình thường, khi gặp trời lạnh, mạch máu dưới da co lại, mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra (do co mạch dưới da).
Sau khi uống rượu sẽ có cảm giác toàn thân nóng lên. Đó là do cồn làm cho cơ thể tỏa nhiệt năng sẵn có. Như vậy, thực chất người uống rượu đang bị mất nhiệt nhanh hơn.
Sau khi uống hết rượu, đa phần nhiệt lượng tỏa ra ngoài, làm cho toàn thân lạnh nổi gai ốc, dẫn đến hậu quả bị lạnh.
Đối với người bệnh tăng huyết áp, nếu lạm dụng rượu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt khi trời rét. Khi uống rượu bia, các mạch máu sẽ giãn ra và nếu gặp thời tiết lạnh sẽ làm co mạch máu, gây các cơn tăng huyết áp, dễ dẫn đến đột quỵ não. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp nên kiêng uống rượu bia.
Để đảm bảo sức khỏe, bạn cần phải biết kiểm soát lượng bia rượu nạp vào cơ thể ở mức vừa phải. Mỗi người chỉ nên uống tối đa hai đơn vị cồn mỗi ngày, tương đương với 350 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hoặc 45 ml rượu mạnh.
Trong các cuộc nhậu ngày Tết, nếu phải uống rượu nhiều, mọi người có thể uống kèm thêm một cốc nước chanh, nước hoa quả. Biện pháp này giúp hạn chế mệt mỏi sau chầu rượu, tăng sức đề kháng.
Lưu ý sau uống rượu, bia
Sau uống rượu, nhiều người áp dụng các biện pháp giải rượu bia sai lầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bác sĩ lưu ý, sau sử dụng rượu bia không nên lựa chọn chơi thể thao, đây là suy nghĩ cực kỳ nguy hiểm.
Bạn tập luyện thể dục khi trong người có cồn sẽ gây áp lực rất lớn lên tim và các mạch máu. Điều này dễ dẫn tới tình trạng vỡ mạch máu não, gây xuất huyết não hoặc đột quỵ. Do đó, sau khi uống rượu, bia, tuyệt đối không được tập luyện thể dục mạnh, kể cả chạy bộ. Chúng ta cần nghỉ ngơi, cơ thể tự đào thải cồn tự nhiên là an toàn nhất.
Theo bác sĩ Mạnh, uống nhiều nước về nguyên tắc giúp tăng cường bài tiết nước tiểu, qua đó chất cồn cũng được đào thải ra bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên, việc cố gắng uống thật nhiều nước để mong hết nồng độ cồn nhanh là lợi bất cập hại. Cụ thể, khi ethanol (cồn) được hấp thu vào cơ thể, chỉ khoảng 5-10% được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; 90-95% lượng ethanol còn lại được chuyển đến gan để xử lý.
Do đó, lượng cồn bài tiết qua đường nước tiểu là không quá đáng kể, trong khi đó uống quá nhiều nước lại dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải. Một trong những tình trạng hay gặp phải khi uống rượu bia là mất điện giải (hay gọi là mất muối). Việc uống thêm thật nhiều nước càng làm lượng điện giải trong cơ thể bị hòa loãng khiến tình trạng này trầm trọng hơn.
Trong trường hợp này, phương pháp bù nước, bù muối hiệu quả và dễ thực hiện ngay tại nhà chính là uống nước hoa quả, uống nước chanh pha muối, nước oresol, nước khoáng có muối. Một điều cần đặc biệt lưu ý là uống vào phải ăn, đặc biệt thức ăn giàu năng lượng nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết như cơm, cháo.
Theo bác sĩ Mạnh, sau uống rượu bia, nếu xông hơi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thức uống có cồn như bia, rượu tác động mạnh mẽ đến hệ tuần hoàn, đặc biệt làm co mạch ngoại biên và giãn mạch trung tâm. Cồn còn có khả năng làm giảm khả năng đông máu, tạo điều kiện cho các tình trạng vỡ mạch máu diễn ra trong não bộ. Điều này có thể dẫn tới tai biến, vỡ mạch máu não, chèn ép sọ não dẫn đến tử vong.
Do đó, sau khi sử dụng rượu bia, không nên xông hơi vì những phản ứng tiêu cực mà biện pháp này mang lại. Thay vào đó, bạn nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể chất mạnh để đảm bảo an toàn.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()