Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:17 (GMT +7)
Uông Bí: Định hướng cho di sản phát triển bền vững
Thứ 7, 20/07/2024 | 15:27:07 [GMT +7] A A
Uông Bí sở hữu khu di tích - danh thắng Yên Tử với nhiều giá trị nổi bật, hiện nằm trong Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Vùng đất này cũng có nhiều danh thắng, giá trị di sản vật thể và phi vật thể khác rất đặc sắc, được địa phương bảo tồn, gìn giữ tốt, từng bước phát huy giá trị phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.
Hệ thống các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở Uông Bí đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng, riêng có cho vùng đất cổ, giàu truyền thống này. Từ xa xưa, Yên Tử đã trở thành kinh đô Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt với hàng loạt công trình chùa, am tháp trên dãy Yên Tử cùng với các giá trị văn hoá tư tưởng vẫn còn tồn tại đến ngày nay, thu hút hàng triệu phật tử, nhân dân, du khách tìm về chiêm bái hằng năm...
Qua thống kê, hiện Uông Bí có 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Các di tích này đều gắn với những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa nơi đây. Trên địa bàn thành phố còn có 32 di sản văn hóa phi vật thể các loại, trở thành tiềm năng lớn cho phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch văn hoá lịch sử, du lịch văn hoá tâm linh…
Nơi đây cũng vẫn còn lưu giữ những câu chuyện, dấu tích về doanh nhân đầu tiên của nước Việt là Bạch Thái Bưởi; truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Vùng mỏ với di sản tinh thần vô giá “Kỷ luật và Đồng tâm”. Các khu danh thắng trên địa bàn Uông Bí có vẻ đẹp tự nhiên hấp dẫn du khách, như khu du lịch hồ Yên Trung, điểm du lịch sinh thái Lựng Xanh, các cảnh quan thiên nhiên ban tặng như đồi Phượng Hoàng, Bình Hương, Khe Song - Thác Bạc, vùng sông nước Phương Nam…
Xác định di sản văn hóa là tài sản quý giá, là cầu nối giữa sinh hoạt văn hóa với cộng đồng dân cư, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền, những năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; gắn kết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá với du lịch địa phương. Qua đó, một số lễ hội, các làn điệu, trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống... đã được phục dựng lại; nhiều di tích được công nhận xếp hạng di tích, được tôn tạo lại khang trang, bền vững từ nguồn lực huy động của toàn xã hội trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, có sự sáng tạo, tiếp thu các giá trị văn hóa mới, trở thành những điểm đến hấp dẫn người dân, du khách bốn phương.
Nhằm tiếp tục nhận diện để bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững của địa phương, đầu tháng 7 vừa qua, thành phố đã tổ chức hội thảo với quy mô tương đối lớn về nội dung này.
Qua đó, với 32 bài tham luận của các nhà khoa học ở trung ương và địa phương, đã tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn về các giá trị lịch sử - văn hoá, khoa học ẩn chứa trong kho tàng di sản văn hoá phong phú của Uông Bí. Các nhà khoa học cũng có những đánh giá xác đáng về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch của địa phương thời gian qua và đề xuất những giải pháp, mô hình phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn di sản, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá của địa phương.
Đáng chú ý là, những vấn đề này được các nhà khoa học, nghiên cứu trao đổi theo hướng mở rộng tầm nhìn bảo tồn và phát triển trên nền cảnh lịch sử - văn hoá của tỉnh và triển vọng vươn lên trong khuôn khổ tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Việc bảo tồn di sản văn hoá của thành phố được gắn với phát triển du lịch bền vững trong sự liên kết giữa Uông Bí với các địa phương thuộc trung tâm du lịch văn hoá tâm linh của tỉnh (Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên) và thủ phủ Hạ Long, cũng như có sự liên kết với các địa phương sở hữu các di sản thuộc Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đề cử UNESCO công nhận Di sản thế giới là Bắc Giang, Hải Dương...
Tham gia tại hội thảo kể trên, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, bày tỏ: Chúng tôi hy vọng kết quả của hội thảo sẽ được vận dụng một cách thiết thực cho việc bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững của TP Uông Bí. Từ đó, Uông Bí sẽ có những đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()