Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Ứng xử văn minh để không còn tư duy du lịch mùa vụ 'chộp giật''
Thứ 6, 19/07/2024 | 07:29:02 [GMT +7] A A
"Chặt chém" không còn là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” mà thực sự nhức nhối, làm xấu xí hình ảnh người Việt, “vẽ” lên những “mảng màu nham nhở” cho du lịch, ảnh hưởng tiêu cực thể diện quốc gia.
Không chỉ là những “câu chuyện muôn thuở” liên quan tới chặt chém, lừa đảo dịch vụ, chất lượng sản phẩm kém..., còn vô số những “điểm trừ” trong ứng xử đã và đang khiến hình ảnh du lịch Việt ở nhiều điểm đến trở nên xấu xí. Như chuyến trải nghiệm ở Cửa Lò, Nghệ An dịp cuối tuần cùng công ty của du khách Nguyễn Thúy Ngà đến từ Hà Nội vừa qua.
“Vận chuyển ở đây không để đâu cho hết buồn cười. Tối và sáng xe điện chạy như chuồn chuồn sắp mưa, mà trưa đi ăn muốn gọi cái xe cũng đành bó tay vì ‘nắng họ về ngủ hết rồi.’ Xe dịch vụ khách sạn gọi hộ chở nhóm 7 người đi được quãng 500 mét thì đuổi khách xuống vì có cuốc gọi đi đường dài hơn, mặc kệ khách đứng nắng tự xoay xở,” chị Ngà thở dài kể lại trải nghiệm nhớ đời.
Du lịch Việt bao giờ hết “chộp giật”?
Tiếp tục câu chuyện, chị Thúy Ngà chia sẻ dư âm còn lại sau kỳ nghỉ là buồn, thất vọng và bức xúc. Vấn đề đầu tiên chị gặp phải là giá phòng đắt vô lý. Đắt không phải vì giá quá cao mà bởi không xứng đáng với chất lượng.
Trước đó, vừa lưu trú Quy Nhơn cuối tuần trước, chị ở khách sạn sát mặt biển, phòng hai giường đôi view biển, chuẩn sạch như 5 sao giá 500.000 đồng/đêm, nên khi nghe nhân viên báo giá phòng đôi Cửa Lò 600.000 đồng/đêm, ở mặt sau không hướng biển thì cũng an tâm tạm ổn, ít nhất là sạch đẹp.
“Nhưng ối giời ơi, đến nhận phòng mình phải dùng đúng từ choáng váng. Công ty đặt hơn 10 phòng thì đến 3 phòng hỏng điều hòa, có phòng không vòi sen; ga gối, khăn đều loại rẻ tiền và ố vàng, cả phòng chỉ có 1 cái bóng đèn tuýp 60cm sáng nhờ nhờ, tường trần mốc và đầy vết vẽ bậy… Con mình thấy thế quay sang mẹ thì thầm ‘mẹ ơi phòng này cho ở không cũng tệ đừng nói thu tiền.’ Nói thật là tôi không biết phải dùng từ gì để tả về cảm xúc lúc đó,” chị Ngà nói.
Du khách này cho biết chẳng muốn nói xấu quê hương, nhưng không nói thì thấy mình không chính trực và nếu cứ để tình trạng đó tiếp diễn Cửa Lò sẽ thật tệ trong mắt du khách. Chị bảo: “Từ đầu mùa Hè, tham gia các hội nhóm du lịch, tôi đã nghe ì xèo chê Cửa Lò về việc chặt chém du khách, giá cả không xứng tầm chất lượng dịch vụ... Cứ nghĩ chắc mọi người quen kiểu đi là ngồi bãi biển gọi đồ, giờ vào quán hàng thì thấy không quen thôi, nhưng hóa ra không phải vậy.”
Chị đánh giá, bao năm chưa thấy hạ tầng du lịch quê hương cải thiện là bao mà chỉ thấy chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ đi xuống và bản chất lành hiền, chất phác người quê thì bay biến theo tốc độ đô thị hóa. “Thật sự mong mỏi người Cửa Lò tự nhìn lại mình. Bởi mỗi người làm du lịch là mang trên mình sứ mệnh như một đại sứ. Chính họ sẽ mang đến những điểm chạm cảm xúc đầu tiên cho du khách. Chính quyền cũng cần rà soát, chỉnh đốn chất lượng dịch vụ, thái độ con người trước mỗi mùa du lịch,” chị bày tỏ.
Cũng có trải nghiệm kém vui trong chuyến đi khảo sát cho công việc ở một tỉnh ven biển miền Trung dịp Hè này, chị Đậu Thúy cho hay chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chủ homestay tiếp nhận góp ý của chị với thái độ cầu thị nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, thay vì đôi co, thậm chí thách thức cả khách hàng.
“Chúng tôi không tự coi mình là ‘thượng đế’ để đòi hỏi quá đáng, nhưng đúng là giao tiếp và thái độ phục vụ của chủ các homestay tự phát mọc lên như nấm hiện nay cần phải xem lại. Rõ ràng họ không được đào tạo bài bản để học kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách, để hiểu cần ứng xử văn minh và hiểu biết với khách du lịch nếu muốn khách quay lại với mình,” chị Thúy chia sẻ.
Các du khách này đồng quan điểm, nếu cứ giữ tư duy du lịch mùa vụ rồi làm ăn chộp giật sẽ chẳng còn du khách nào muốn quay lại điểm đến. Bởi giờ đây là thời của “làm thật ăn thật, cạnh tranh bằng giá trị thật,” nếu không chắc chắn sẽ nhận “trái đắng” là bị thị trường, du khách quay lưng, tẩy chay.
Những trường hợp như chị Thúy Ngà, Đậu Thúy gặp phải thực tế rất phổ biến. Thậm chí ngay ở Hà Nội, “trái tim” của cả nước cũng luôn nhức nhối vấn nạn chặt chém, làm ăn chộp giật với du khách...
Cách đây chưa lâu, cộng đồng mạng từng “dậy sóng” khi người bán hàng rong trên phố Thụy Khuê “hét” khách Tây 200.000 đồng cho một túi táo nhỏ; hay vụ hai khách nước ngoài phải trả 50.000 đồng 4 chiếc bánh rán ở Hồ Gươm; khách Mỹ phải trả 500.000 đồng chỉ để đi quãng đường vài trăm mét...
Những vụ việc “chặt chém” khách như vậy gây bức xúc dư luận. Đáng buồn là vấn nạn đã tồn tại nhiều năm qua ở ta với muôn vàn biến tướng và vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi… Đó không còn là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” mà thực sự nhức nhối, làm xấu xí hình ảnh con người Việt Nam, “vẽ” lên những “mảng màu nham nhở” cho du lịch Việt, ảnh hưởng tiêu cực tới thể diện quốc gia.
Liệu có khách nào muốn quay lại Hà Nội, quay lại Việt Nam nếu trong lòng luôn nơm nớp lo sợ bị lừa lọc, chặt chém? Một ấn tượng xấu không biết phải chờ đến bao lâu mới “gột rửa” cho sạch?
Chấn chỉnh thực trạng cách nào?
Có thể nói, ứng xử văn minh trong du lịch là rất cần thiết với cả những người trực tiếp làm trong ngành này cũng như người dân bản địa tham gia và các hoạt động du lịch, vì điều này cũng là thể hiện hình ảnh quốc gia. Tuy nhiên, thực trạng của văn minh ứng xử trong du lịch Việt Nam hiện còn nhiều mặt trái. Vậy, giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này?
Theo Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 14 về quản lý điểm đến, thực hiện ứng xử văn minh trong các hoạt động du lịch.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng trong hoạt động du lịch, vấn đề ứng xử văn minh, thân thiện của người dân địa phương, của điểm đến đối với du khách là đặc biệt quan trọng. Nó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tạo sức hút khách du lịch quay trở lại. Vì vậy, các điểm đến muốn phát triển du lịch cần phải chú trọng yếu tố này.
Theo vị Viện trưởng này, thời gian qua, có nhiều điểm đến của Việt Nam đã khá thành công trong việc nâng cao nhận thức ứng xử văn minh, thân thiện của người dân đối với khách du lịch như ở Hội An. Hay những điểm mới nổi như Quy Nhơn, Bình Định, một số tỉnh Nam Trung Bộ, các tỉnh miền núi… người dân cũng rất thân thiện, văn minh và tôn trọng khách. Điều này đã góp phần quảng bá và nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến.
“Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều điểm đến vì lợi ích trước mắt vẫn còn tình trạng ứng xử thiếu tôn trọng khách du lịch hoặc đeo bám, chèo kéo khách, thậm chí có những hành vi ‘chặt chém,’ lừa đảo khách du lịch thông qua cung cấp các dịch vụ như vận tải, ăn uống… làm phiền lòng du khách,” ông Tuấn nhận định.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần vai trò của chính quyền trong việc xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm đó đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp sử dụng lao động tại các điểm đến, khu du lịch vì lợi ích lâu dài. Đặc biệt, cần có các chương trình huấn luyện, đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân trong ứng xử văn minh, thân thiện đối với du khách nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc tiêu chí ứng xử thân thiện, văn minh. Song, vẫn cần những quy định, chế tài cụ thể hơn cho từng chính quyền địa phương, doanh nghiệp, và người dân để dễ dàng biến nhận thức thành hành động khi ứng xử với khách du lịch đúng nghĩa vừa văn minh vừa thân thiện.
Thực tế, có thể dễ dàng đưa ra các bộ quy tắc, quy định dành cho các doanh nghiệp, nhưng với người dân bản địa ở điểm đến thì làm sao để họ nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của ứng xử văn minh, thân thiện sẽ tạo ra những lợi ích thiết thực cho chính họ?
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong việc phổ biến, hướng dẫn bộ quy tắc cho người dân. Thậm chí, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng có thể tham gia vào việc hướng dẫn nâng cao nhận thức, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần tổ chức nâng cao kiến thức giúp người dân hiểu biết hơn, vì chính lợi ích lâu dài của địa phương sẽ mang lại việc làm, lợi ích kinh tế lâu dài cho họ.
“Họ ý thức được và hiểu được giá trị của khách du lịch thì lúc đó tự khắc sẽ có hành động, ứng xử đúng đắn với du khách theo đúng nghĩa văn minh, thân thiện,” tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định./.
Hành vi “chặt chém” khách du lịch có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.” Nếu qua quá trình điều tra xác định có bằng chứng, lời khai, có cơ sở xác định khi các du khách phản đối mức giá cao bất thường, không đồng ý trả tiền, cá nhân hăm dọa hoặc đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khiến cho du khách lo sợ cho tính mạng, sức khỏe, tinh thần nên buộc phải trả tiền thì có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản. Cũng theo Luật, với sự việc “chặt chém” khách du lịch “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” có thể trở thành một tình tiết tăng nặng, các cá nhân có thể phải chịu mức án lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, hành vi “chặt chém” khách du lịch còn có dấu hiệu cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản.” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” các mức hình phạt phụ thuộc vào tính chất hành vi và số tiền bị chiếm đoạt được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trong việc kinh doanh, buôn bán, các tổ chức, cá nhân có những hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác… gây thiệt hại cho khách hàng, có thể bị xử lý về tội Lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự. Theo đó, có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu -100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. |
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()