Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:54 (GMT +7)
Ứng xử trên mạng xã hội đúng quy tắc
Thứ 4, 24/08/2022 | 08:22:01 [GMT +7] A A
Mạng xã hội đã và đang có sức hút vô cùng lớn đối với nhiều người, đặc biệt môi trường này có sức lan toả mạnh mẽ mọi thông tin, nhất là những vụ việc mang tính chất tiêu cực, sai sự thật. Chỉ cần một nội dung đăng tải, chủ tài khoản mạng xã hội có thể thu hút sự chú ý của hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người theo dõi, bày tỏ sự yêu thích, chia sẻ rộng rãi của cộng đồng mạng. Mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên nó cũng mang lại những hệ luỵ rất lớn, ảnh hưởng xấu đến đời sống, xã hội.
Như mới đây, Đinh Văn Đức (SN 1989, trú tại thôn 4, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên) sử dụng tài khoản Facebook cá nhân là "Duc Dinh" đăng tải một bình luận vào một bài đăng trên trang Facebook "Người Quảng Ninh", liên quan đến hình ảnh dự án Ao Tiên - Cát Linh tại huyện Vân Đồn. Đáng chú ý, bình luận này có nội dung sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Sau khi làm việc với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), Đinh Văn Đức thừa nhận hành vi vi phạm, cam kết không tái phạm và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của công dân trong việc sử dụng mạng xã hội.
Căn cứ kết quả xác minh, cơ quan công an đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Đinh Văn Đức về hành vi lợi dụng mạng xã hội, đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức. Cũng liên quan đến vụ việc này, ngoài Đinh Văn Đức, lực lượng công an đã xác định và tiến hành làm việc với một số trường hợp bình luận, đưa thông tin sai sự thật trên địa bàn TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, huyện Vân Đồn.
Chủ tài khoản Facebook "Duc Dinh" chỉ là một trong số rất nhiều cá nhân vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội. Hẳn chúng ta còn nhớ trong 2 năm 2020-2021, lực lượng chức năng cả nước đã phải xử lý hàng trăm ngàn tài khoản mạng xã hội vi phạm việc đăng tải, bình luận thông tin sai sự thật liên quan đến đại dịch Covid-19 với số tiền phạt lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy vậy, hiện nay mỗi ngày vẫn có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm những quy định khi tham gia mạng xã hội. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước đã phải ban hành bộ quy tắc ứng xử, cũng như tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý để mạng ảo không gây những hậu quả xấu cho xã hội.
Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với những quy định chi tiết, rõ ràng: Đối với mỗi tổ chức, cá nhân phải tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội; nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội; thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt - việc tốt; vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Có thể khẳng định rằng, thực hiện quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết, mang ý nghĩa tích cực, tạo những quy định, chuẩn mực chung, thượng tôn pháp luật, nhằm tạo lập môi trường mạng xã hội lành mạnh, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua đâu đó vẫn còn rất nhiều người vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội. Chính vì vậy mỗi chúng ta cần hành xử đúng mực trên mạng xã hội, có ý thức thay đổi, điều chỉnh hành vi, đạo đức khi tham gia vào thế giới ảo để góp phần xây dựng hoàn thiện môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn và thực sự có ích.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()