Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:30 (GMT +7)
Ung thư giai đoạn cuối có biểu hiện gì?
Chủ nhật, 05/05/2024 | 07:38:22 [GMT +7] A A
Khi được chẩn đoán mắc ung thư người bệnh thường rất lo lắng, không biết ung thư đã ở giai đoạn cuối chưa? Ở giai đoạn cuối thì ung thư có biểu hiện như thế nào?
Trên thực tế, tùy thuộc vào từng người bệnh, từng loại ung thư mà mỗi bệnh cảnh có các biểu hiện khác nhau. Tuy vậy, nhìn chung cơ thể của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường phải đối diện với tình trạng rất mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Một số người bệnh cảm thấy yếu ớt tới mức không thể làm những hoạt động sinh hoạt thường ngày như mặc quần áo hay đi vệ sinh.
Do đó, những phương pháp điều trị ung thư ở giai đoạn cuối chủ yếu tập trung vào làm chậm lại sự phát triển của khối u, giảm thiểu những triệu chứng, góp phần hạn chế tình trạng đau đớn, giúp bệnh nhân có thể thoải mái nhất cũng như tiếp tục kéo dài thêm sự sống.
Dưới đây là một số triệu chứng mà bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối hay gặp phải:
Biểu hiện chán ăn, ăn kém, đắng miệng…
Tác dụng phụ của quá trình xạ trị, hóa trị hoặc việc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm cũng gây ra cảm giác bị đắng và khô miệng, cảm thấy cơ thể bị mất nước ở người mắc phải bệnh ung thư vào giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, tình trạng chán ăn, ăn kém cũng xuất hiện khiến việc hấp thu các chất dinh dưỡng bị hạn chế, gây suy nhược cơ thể.
Xuất hiện táo bón
Đây cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư ở thời kỳ cuối, điển hình ở các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng.
Dấu hiệu này là bởi người bệnh có biểu hiện ăn kém, cơ thể thiếu lượng chất xơ cần thiết, uống ít nước, ít hoạt động; đồng thời, cũng do ảnh hưởng của các loại thuốc điều trị. Bên cạnh đó, cơ bụng và sàn chậu bị suy yếu cũng khiến cho khả năng tiêu hóa của đường ruột bị giảm đi.
Biểu hiện mệt mỏi
Khi mắc phải ung thư giai đoạn cuối, cơ thể của người bệnh thường ở trạng thái mệt mỏi, dù cho không có hoạt động nặng hay trước đây cơ thể của họ luôn khỏe mạnh. Tình trạng suy nhược cơ thể dẫn đến hiện tượng sụt cân một cách nhanh chóng, cơ bắp bị mất đi.
Biểu hiện khó thở
Đây là dấu hiệu phổ biến khi bệnh ung thư ở vào giai đoạn cuối. Người bệnh bị thở khò khè, tức ngực, suy hô hấp, tắc nghẽn phế quản.
Biểu hiện gầy, sút cân nhanh
Gầy, sút cân nhanh cũng là triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Đây là triệu chứng gây ra từ sự kết hợp tình trạng mất cân nặng và giảm khối cơ của cơ thể mà người bệnh phải đối diện. Có rất nhiều loại ung thư gây ra triệu chứng này như ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy, ung thư phổi,...
Xuất hiện buồn nôn và nôn
Cảm giác nôn và buồn nôn cũng là triệu chứng mà người bệnh ung thư giai đoạn cuối thường xuyên gặp phải. Điều này có thể là bởi khối u di căn tới dạ dày dẫn đến chướng hơi, khó tiêu hay khối u có kích thước to gây tắc ruột; tác dụng phụ của phương pháp điều trị là xạ trị, hóa trị;...
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối còn có thể đối diện với một số triệu chứng khác như ngủ nhiều, ngủ li bì, khó khăn khi thức dậy lúc đang ngủ; chân, lòng bàn chân và lòng bàn tay, cánh tay lạnh; đi tiểu nhiều bởi bàng quang bị mất kiểm soát; hạn chế về khả năng nói chuyện và tập trung; mất ý thức;...
Ung thư giai đoạn cuối cần làm gì? Ung thư giai đoạn cuối có chữa được không?
- Đối với người bệnh ung thư
Đa số người bệnh mắc ung thư thường lo lắng không biết giai đoạn cuối có chữa được không? Thực tế, tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó giai đoạn bệnh là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Nhìn chung, tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là khá dè dặt.
Tuy nhiên, không phải ai khi bị bệnh ung thư giai đoạn cuối cũng là đối diện với "án tử". Những người mắc ung thư giai đoạn cuối cần có ý chí chiến đấu với bệnh tật bằng tinh thần lạc quan, thoải mái, kết hợp cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý và các thuốc, thực phẩm hỗ trợ thích hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống.
Điều quan trọng nhất để trị bệnh hiệu quả là bệnh nhân phải giữ tâm lý vững vàng, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, thay đổi lối sống theo hướng tích cực, chăm tập luyện thể thao và duy trì chế độ ăn uống khoa học.
- Đối với người thân
Việc người bệnh mệt mỏi đau đớn về thể xác, mà tinh thần cũng bị ảnh hưởng với tâm lý tiêu cực, tuyệt vọng, suy sụp nên rất cần người thân bên cạnh và động viên người bệnh đừng bỏ cuộc
Người thân là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người bệnh, nên lúc này hãy luôn ở bên người bệnh, chia sẻ cảm xúc, động viên và cổ vũ họ tiếp tục cố gắng thay vì bỏ cuộc.
Về dinh dưỡng và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày: Người thân cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng để giúp người bệnh tăng cường sức khỏe. Lưu ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong thực đơn mỗi ngày, đa dạng những loại thực phẩm, các món ăn nên nấu mềm, dễ nhai và nuốt.
Đi kèm với đó, luôn quan tâm, giúp đỡ người bệnh trong hoạt động sinh hoạt thường ngày của họ. Bởi lúc đó, việc sinh hoạt của người bệnh dù chỉ là đi lại, vệ sinh cá nhân cũng trở nên khó khăn hơn khi sức khỏe đã suy yếu đi nhiều.
Người thân có thể tham khảo một số biện pháp giúp người bệnh ung thư cảm thấy thoải mái hơn, góp phần giảm cảm giác đau đớn như sau:
+ Sử dụng loại gối và đệm êm, phù hợp và thoải mái với người bệnh khi họ nằm hay ngồi. Đồng thời, cũng giúp đỡ bệnh nhân thay đổi vị trí một cách thường xuyên.
+ Hỗ trợ họ nâng cao đầu hay xoay người sang phía giúp thở dễ dàng hơn.
+ Tiến hành thay ga trải giường tối thiểu một tuần hai lần hoặc nếu cần thì thay thường xuyên hơn.
+ Nhẹ nhàng massage cơ thể của người bệnh, xoa tay, chân cho họ.
Tóm lại: Khi bệnh ung thư tiến triển đến giai đoạn di căn, việc điều trị chủ yếu giúp bệnh nhân có thể cảm thấy thoải mái nhất và tiếp tục kéo dài tuổi thọ. Trong quá trình này, người thân nên lắng nghe nguyện vọng, mục tiêu của bệnh nhân và tôn trọng, đáp ứng mong muốn của họ liên quan đến việc điều trị.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()