Dữ liệu ung thư toàn cầu 2020 ghi nhận mỗi năm hơn 122.000 người Việt chết do ung thư, gấp 18 lần so với số tử vong vì tai nạn giao thông và chỉ sau bệnh tim mạch.
Thông tin được PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết tạiHội thảo Điều dưỡng ung thư toàn quốc lần thứ nhất,ngày 26/5. "Trước đây, ở Việt Nam, tử vong do ung thư đứng thứ ba sau tim mạch và bệnh nhiễm trùng, nay vượt lên thứ hai cho thấy gánh nặng của căn bệnh này vô cùng lớn", PGS. Bình nói.
Tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư cũng có xu hướng tăng ở hầu hết quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận mỗi năm gần 20 triệu ca mắc mới ung thư và hơn 10 triệu người tử vong vì bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho hay khoảng354.000 người Việtđang sống chung với ung thư, và xu hướng ngày càng tăng. Bình quân cứ 100.000 người có 159 người được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong. 10 loại ung thư phổ biến là gan, phổi, vú, dạ dày, đại tràng, trực tràng, bạch cầu, tuyến tiền liệt, vòm họng và tuyến giáp.
Mô hình bệnh ung thư tại Việt Nam cũng khác các nước. Ba loại ung thư thường gặp ở người Việt là phổi, gan, dạ dày, đều thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ. "Đây chính là lý do khiến tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao", PGS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, nhận định.
Trong khi đó, ở Australia tỷ lệ mắc ung thư vú, tiền liệt tuyến cao nhất, còn tại Hàn Quốc thường gặp ung thư dạ dày, giáp trạng, đại tràng. Những loại ung thư này được tiên lượng tốt, tỷ lệ sống cao, riêng ung thư giáp trạng gần như chữa khỏi hoàn toàn.
Có ba nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tăng cao, theo các chuyên gia. Trong đó, tuổi thọ tăng, sự già hóa dân số là một, càng nhiều tuổi tỷ lệ mắc ung thư càng cao.
Môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước, lối sống của con người như tệ nạn rượu bia, thuốc lá điện tử, thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ cũng là tác nhân gây bệnh.
Ngày nay y học phát triển, nhiều phương tiện chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm, nên nhiều người được phát hiện bệnh.
Tuy vậy, dù y học tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, nhiều bệnh nhân vẫn phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến tỷ lệ tử vong cao. Trong khi đó, yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư là phát hiện sớm hay muộn. Khả năng sống thêm cũng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, sự đáp ứng, phối hợp của các phương pháp điều trị, theo Thứ trưởng Thuấn.
Điều trị ung thư phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch. Trong đó, miễn dịch là liệu pháp được các bác sĩ đánh giá "rất nhiều triển vọng tương lai", người bệnh được tối ưu hóa điều trị với kết quả tiệm cận quốc tế.
Dữ liệu ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020 ghi nhận hơn 200 loại ung thư, tuy nhiên nguyên nhân bệnh chưa có câu trả lời chính xác. Các nhà khoa học đã tìm ra nhiều yếu tố nguy cơ, ví dụ viêm gan B dẫn đến xơ gan, ung thư gan; virus HPV khiến nguy cơ mắc ung thư tử cung cao hơn; vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày, nhưng câu hỏi "tại sao ung thư" vẫn đang được nghiên cứu.
Ý kiến ()