Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:51 (GMT +7)
Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm
Thứ 2, 20/09/2021 | 09:30:05 [GMT +7] A A
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 ở cả nam và nữ sau ung thư gan và ung thư phổi.
Theo thông tin chia sẻ của TS.BS Vũ Trường Khanh, Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư dạ dày là một bệnh hay gặp ở người trên 50 tuổi. Theo tổ chức Ung thư thế giới, có khoảng trên 1 triệu người mắc ung thư dạ dày hàng năm và ước tính 796.000 người chết vì ung thư dạ dày mỗi năm. Ở nam giới, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư đại tràng. Ở nữ giới, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 7 sau ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư thân tử cung và ung thư cổ tử cung, nhưng tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ 4.
Ung thư dạ dày gây tử vong nhiều là do bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn không còn sớm. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, 93% bệnh nhân vẫn còn sống bình thường sau 5 năm. Việc điều trị ung thư dạ dày sớm cũng đơn giản hơn rất nhiều so với ung thư ở giai đoạn tiến triển hay giai đoạn muộn. Bệnh nhân không cần điều trị hóa chất, không phải chịu đựng phẫu thuật.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần tiến hành nội soi dạ dày để cắt hớt niêm mạc hoặc cắt tách niêm mạc, có nghĩa là tiến hành lấy toàn bộ vùng niêm mạc bị ung thư qua nội soi đường miệng với chất lượng sống tốt như người bình thường.
Ung thư dạ dày có 2 loại: Ung thư vùng tâm vị ít gặp và ung thư không phải tâm vị hay gặp - đây là loại cần chú ý để phát hiện. Ung thư dạ dày thể không phải tâm vị có liên quan tới nhiễm vi khuẩn H.P, chế độ ăn có nhiều muối, hút thuốc lá, uống rượu, ăn ít rau và quả, ngoài ra còn liên quan tới yếu tố gia đình và gene thường gặp ở người ung thư dạ dày xuất hiện ở người trẻ tuổi trước 40 tuổi.
Từ năm 1994, vi khuẩn H.P được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp loại là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P của người Việt Nam rất cao, chiếm trên 70% dân số. Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm vi khuẩn H.P cũng đều bị ung thư dạ dày, mà còn phụ thuộc độc lực của chủng vi khuẩn H.P mắc phải và cơ thể con người tức là yếu tố thể tạng, cũng như các nguyên nhân phối hợp khác.
Không giống ung thư ở giai đoạn muộn, ung thư dạ dày sớm hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng. Phương pháp tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm là tiến hành nội soi. Tổn thương ung thư sớm có thể rất nhỏ chỉ 2-3 mm trên hình ảnh nội soi, nhưng cũng có thể tới 3 - 4 cm mà vẫn còn ở giai đoạn sớm.
Cần tiến hành nội soi để phát hiện ung thư sớm cho những đối tượng có nguy cơ cao dễ bị ung thư dạ dày sau đây:
- Những người có bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư dạ dày, đặc biệt có người bị ung thư dạ dày dưới 40 tuổi.
- Người bị cắt bán phần dạ dày sau 15 năm.
- Người có viêm teo niêm mạc dạ dày nặng trên nội soi: viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày.
- Những người từng phát hiện ung thư dạ dày sớm đã điều trị khỏi bằng cắt hớt hoặc tách cắt niêm mạc.
- Những người bị hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình.
- Từ 40 tuổi nên nội soi dạ dày tầm soát tìm ung thư sớm.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()