Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:36 (GMT +7)
Ứng phó với dịch COVID-19, kiên trì mục tiêu chất lượng trong năm học 2021-2022
Thứ 4, 25/08/2021 | 12:25:36 [GMT +7] A A
Bộ GDĐT yêu cầu triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngày 24/8, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.
Chỉ thị nêu rõ, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 50/NQ-CP (ngày 20/5/2021) của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo; cũng Quyết định ban hành Chương trình hành động của Bộ GDĐT triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch
Năm học 2021-2021 toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học; vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu toàn ngành tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương, thực hiện hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch. Theo đó, phối hợp với ngành Y tế, ngành Giáo dục cần chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch COVID-19 dự báo còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Hoạt động khai giảng được tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương; bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực; thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
Công tác tổ chức dạy học được yêu cầu "tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát". Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Đối với giáo dục mầm non, không áp dụng hình thức dạy học trực tuyến này mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.
Chỉ thị yêu cầu quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa. Song song đó là xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên.
"Rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí so với năm học 2020-2021; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học", Chỉ thị nhấn mạnh.
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục
Đối với nhiệm vụ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, Chỉ thị yêu cầu căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của các cấp học, các Sở GDĐT, nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 51 (ngày 31/12/2021) của Bộ GDĐT và chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025". Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 cần tiếp tục triển khai có hiệu quả. Song song đó là duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.
Việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non cần từng bước triển khai và tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT 2018) được yêu cầu tiếp tục thực hiện bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022. Các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học, Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023 cần tích cực triển khai. Việc tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10 và tài liệu giáo dục địa phương thực hiện theo lộ trình quy định.
"Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động giáo dục của trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học. Bảo đảm cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh khuyết tật thực hiện giáo dục hòa nhập, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học", Chỉ thị nêu.
Việc thực hiện Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định Phê duyệt đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" của Thủ tướng Chính phủ, được yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả. Các kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông cần xây theo hướng mở; song song đó là đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của thị trường lao động. Thực hiện kết hợp dạy văn hóa phổ thông với dạy nghề hiệu quả, đúng quy định.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo
Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chỉ thị đặt ra.
Theo đó, ngành giáo dục cần tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc triển khai thực hiện và áp dụng các quy định của pháp luật về tự chủ đại học cần được rà soát, đánh giá và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường. Bộ máy lãnh đạo, quản lý của cơ sở giáo dục đào tạo cần được kiện toàn, song song với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ để phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường.
"Tổ thức thực hiện có hiệu quả các quy định về tuyển sinh và đào tạo, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các nhóm ngành, các lĩnh vực đào tạo thuộc các trình độ của giáo dục đại học. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín; ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm và đào tạo sau đại học", Chỉ thị nêu.
Việc tăng cường kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế, ưu tiên phát triển các chương trình đào tạo chất lượng quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh cũng được Chỉ thị đề ra, yêu cầu thực hiện hiệu quả.
Thực hiện hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng
Bên cạnh các nhiệm vụ về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, Chỉ thị của Bộ GDĐT yêu cầu toàn ngành triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo cần tiếp tục đẩy mạnh. Xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho học sinh, sinh viên, là một nhiệm vụ được đặt ra.
Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, Chỉ thị yêu cầu toàn ngành đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của học sinh, sinh viên bị tác động vì dịch bệnh. Cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường-gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học, trong việc học trực tuyến tại nhà. Công tác giáo dục thể chất và y tế trường học cần triển khai hiệu quả, bảo đảm an toàn trường học, cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.
Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên và triển khai bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu dạy học của CT GDPT 2018; tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên, bảo đảm "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp", là một nhiệm vụ lớn được đặt ra. Bên cạnh đó, Chỉ thị yêu cầu ngành có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Công tác ưu tiên đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ việc dạy học, và hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để không em nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường, là các nhiệm vụ được đặt ra. Song song với đó là yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng phân cấp và thanh tra kiểm tra, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo…
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()