Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:48 (GMT +7)
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ 5, 05/09/2024 | 05:57:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tình hình thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chịu ảnh hưởng của sự dịch chuyển từ hiện tượng thời tiết El Nino sang hình thái thời tiết La Nina khiến mưa lớn kéo dài, gây nguy cơ cao ngập úng, sạt lở đất, đá. Với sự chủ động, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” của chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân trong tỉnh đã góp phần hạn chế tối đa thiệt hại thiên tai gây ra.
Ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Sau gần 2 năm triển khai, vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai được tăng cường, các quy định, quy phạm yêu cầu trong công tác phòng chống thiên tai được thực hiện đồng bộ, thống nhất và dần đi vào nền nếp. Việc kết hợp tổng hợp, đa mục tiêu các nguồn lực nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai được quan tâm đầu tư, nhất là đầu tư các công trình đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đã từng bước đem lại hiệu quả. Thiệt hại về vật chất ngày càng giảm thấp, đặc biệt 2023 là năm thứ 3 liên tiếp trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người do thiên tai.
Là huyện miền núi, ven biển, huyện Tiên Yên nằm trong khu vực nhạy cảm dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhất là các loại hình thời tiết cực đoan. Huyện luôn sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai. 100% xã trên địa bàn huyện đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời ngay khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Những năm qua, huyện Tiên Yên bố trí nguồn vốn ngân sách định kỳ để tu bổ, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, hồ, đập hiện có; đầu tư xây mới các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá với chiều dài luồng 250m, độ sâu vùng nước đậu tàu là -3,3m, sức chứa 282 tàu, với cỡ tàu lớn nhất có thể vào neo đậu đến 90CV.
Thông qua các tổ chức đoàn thể, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh các loại hình thiên tai phổ biến; phát huy vai trò của cộng đồng. Tại TP Uông Bí, các đơn vị chức năng đã phối hợp với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động như: Sửa chữa hệ thống thoát nước, khơi thông dòng chảy; trồng rừng; xúc dọn, giải phóng rác thải ứ đọng làm ảnh hưởng đến hệ thống tiêu thoát nước; nâng cấp các cống thoát nước; tuyệt đối không xả rác, không xây dựng công trình trái phép trên những công trình tiêu thoát nước trên địa bàn. Đồng thời, bổ sung hàng loạt hạng mục, công trình tiêu thoát nước vào danh mục công trình, dự án cần sửa chữa, nâng cấp từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Hệ thống hạ tầng tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố đã được cải thiện đáng kể, không xảy ra tình trạng ngập lụt trong năm qua.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tới, dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, trạng thái La Nina có thể xuất hiện với xác suất 60-70%, làm tăng số cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền cao hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 2,9 cơn), tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục phức tạp, khó lường, khó dự báo, bất thường, cực đoan nguy cơ gây thiệt hại lớn.
Tỉnh ủy đã có văn bản số 2236-CV/TU (ngày 23/8/2024) về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát để bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án, biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; linh hoạt và ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí để giải quyết ngay các yêu cầu cấp bách liên quan đến phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn lao động, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng đối tượng, không để thất thoát, tiêu cực, sau đó tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực sườn đồi, sườn núi, chân bãi thải mỏ có nguy cơ cao về sạt trượt, lở đất để xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm; đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro xảy ra; chủ động dự báo, có phương án sơ tán người dân đến cư trú ở những nơi an toàn, ổn định lâu dài.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, tai nạn lao động; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Đảng đoàn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia và hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu, tạo sự đồng thuận xã hội đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()