Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:34 (GMT +7)
Ứng phó dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi
Thứ 6, 12/07/2024 | 11:20:10 [GMT +7] A A
Thời tiết thay đổi, mưa nắng bất thường, cùng với nền nhiệt cao như hiện nay là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Vì vậy, việc chủ động các biện pháp ứng phó với dịch bệnh phát sinh đang được ngành chức năng cùng với nông dân các địa phương của Quảng Ninh quan tâm thực hiện.
Theo dự báo, các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật sẽ diễn biến phức tạp xuyên suốt năm 2024. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kịch bản tăng trưởng đề ra, ngành nông nghiệp và các địa phương của Quảng Ninh đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, giúp hạn chế những thiệt hại trong trồng trọt, chăn nuôi.
Đáng chú ý, đối với ngành chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát sinh dịch tả lợn châu Phi tại 110 hộ ở 5 huyện, thị xã, thành phố, với 703 con lợn chết phải tiêu hủy. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT đã cùng với các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ từ hộ nuôi đến quá trình vận chuyển, tiêu thụ... nhằm ngăn chặn, không để dịch lây lan trên diện rộng. Nhờ đó, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, với sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 24.300 tấn, tăng 3,47% so với cùng kỳ năm 2023.
Tìm hiểu tại xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) được biết, trên địa bàn có nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn thương phẩm. Những ngày này, để bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo hiệu quả sản xuất, đội ngũ cán bộ thú y của huyện, xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tiêm vắc-xin phòng các bệnh như thương hàn, tả lợn châu Phi, bệnh đường hô hấp... Những trường hợp chưa đảm bảo về vệ sinh chuồng trại, máng ăn, uống... cũng được nhắc nhở để tu sửa, tránh việc tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh và lây lan.
Các hộ chăn nuôi cũng được hướng dẫn kỹ càng về cung cấp thức ăn, nước uống sạch, đảm bảo vật nuôi phát triển tốt và khỏe mạnh; liên tục kiểm tra để phát hiện sớm những bất thường trên đàn lợn như uể oải, kém ăn... là những dấu hiệu phát sinh dịch bệnh, để có biện pháp xử lý kịp thời.
Là hộ chăn nuôi ngan sao đã hơn 8 năm nay với quy mô từ 500 con/lứa, anh Nguyễn Văn Hợp (khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, TP Uông Bí) luôn đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống dịch bệnh. Anh Hợp cho biết: Trong điều kiện thời tiết thất thường, đàn ngan rất dễ xuất hiện các dịch bệnh. Do vậy tôi thường xuyên phun thuốc khử trùng định kỳ xung quanh khu vực chuồng nuôi để hạn chế phát sinh mầm bệnh, giữ cho chuồng nuôi luôn sạch sẽ, khô ráo. Hiện nay, được cán bộ của thành phố và phường quan tâm, hỗ trợ sát sao, tôi cũng đã thực hiện tiêm vắc-xin cho đàn ngan đúng lịch, đủ liều; tiếp tục theo dõi nhằm phát hiện sớm những con có dấu hiệu sức khỏe bất thường để cách ly, điều trị phù hợp...
Giai đoạn chuyển mùa cũng là thời điểm các loại cây ăn quả thường bị tấn công bởi sinh vật gây hại, nếu mưa kéo dài thì còn gây ngập úng dẫn đến thối rễ và rửa trôi phân bón, làm cây sinh trưởng yếu, dễ bị nấm, bệnh ký sinh...
Theo bản tin dự báo mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật duy trì hằng tuần trên cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT, giai đoạn hiện nay người nông dân cần đặc biệt theo dõi diễn biến phát sinh các loại như bệnh thán thư, sâu cuốn lá, sâu đục quả trên cây nhãn, vải; bệnh đốm trắng, thối đầu cành, rệp trên cây thanh long; sâu vẽ bùa, nhện đỏ, muội đen, chảy gôm trên cây có múi...
Đối với cây lúa, cần khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa chín với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh gây ra; thực hiện xử lý vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, diệt chuột và phòng ngừa sinh vật hại để chuyển vụ, gieo trồng các cây trồng vụ mùa theo đúng lịch thời vụ.
Những biện pháp đồng bộ, kịp thời trong ứng phó với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã góp phần vào đà tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,3%, cao hơn 0,17% so với mục tiêu kịch bản 6 tháng mà tỉnh đề ra đầu năm.
Thông kê của UBDN tỉnh tính đến hết tháng 6/2024:
- Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt trên 33.000ha (đạt 54% kế hoạch), tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt gần 105.000 tấn (đạt 100% kế hoạch), tổng diện tích cây lâu năm đạt gần 8.000ha.
- Tổng đàn trâu toàn tỉnh đạt 24.000 con (đạt 101% so với cùng kỳ năm 2023); đàn lợn đạt gần 274.000 con (đạt 101% so với cùng kỳ năm 2023); đàn gia cầm đạt trên 5,4 triệu con (đạt 104% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt khoảng 48.000 tấn (bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023).
- Tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 38.820 tấn (đạt 103% so với cùng kỳ năm 2023). Diện tích nuôi trồng thủy sản nội địa đạt 32.000ha, diện tích nuôi biển đạt 10.200ha (bằng 100% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số cơ sở nuôi đạt 11.228 cơ sở (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt gần 50.000 tấn (bằng 106% so với cùng kỳ năm 2023).
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()