Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:57 (GMT +7)
Ứng phó đại dịch COVID-19 tại TPHCM: Chặn đầu cơ, gom hàng
Thứ 5, 15/07/2021 | 10:51:41 [GMT +7] A A
Trước thông tin có tình trạng một số cá nhân lợi dụng dịch bệnh để vào siêu thị gom hàng, sau đó bán ra ngoài với giá cao ngất ngưởng, nhiều cửa hàng, siêu thị và các cơ quan chức năng TPHCM đã triển khai các biện pháp ngăn chặn.
Trong ngày 14/7, các siêu thị tại TPHCM đều có khá đông khách xếp hàng chờ mua sắm lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu nhưng giá cả đều ổn định; các loại hàng thiết yếu như rau củ, thịt cá liên tục được bổ sung lên quầy kệ…
Quy định số lượng
Một số khách mua số lượng hàng khá lớn cho biết lý do là để dùng trong cả tuần, hạn chế phải đi lại nhiều lần nhằm phòng tránh dịch. Theo Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), hiện nay có tình trạng một số cá nhân lợi dụng chính sách bán hàng bình ổn giá tại hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op để gom hàng với số lượng lớn rồi bán ra ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng một số mặt hàng không được bổ sung kịp, thiếu hụt trong một vài thời điểm, gây bức xúc cho người dân.
Đơn cử, nhiều ngày nay các siêu thị vẫn duy trì mức giá 26.000 đồng/vỉ 10 trứng gà, 31.000 đồng/vỉ 10 trứng vịt, thấp hơn từ 10.000-15.000 đồng so với thị trường bên ngoài. Mức chênh lệch lớn nên đã xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân vào siêu thị gom hàng ra ngoài bán lại khiến trứng gà, vịt thường xuyên bị “đứt hàng” dù số lượng chuẩn bị và bán ra đã tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op đã áp dụng quy định mỗi khách hàng chỉ được mua 1 hoặc 2 vỉ trứng để “khách đến sau vẫn mua được hàng”.
Theo đại diện MM Mega Market, nguồn hàng không thiếu nhưng có hiện tượng một số khách mua gom với số lượng lớn dẫn đến thiếu hàng cục bộ. Siêu thị đã dán thông báo, quy định khách được mua giới hạn 3 lốc (vỉ/khay)/người. “Với lượng hàng dự trữ rất lớn, siêu thị không thiếu hàng thực phẩm, nhất là trứng gia cầm. Ra thông báo trên, siêu thị mong muốn khách mua không nên trữ hàng trong thời điểm hiện tại, vì siêu thị vẫn mở cửa phục vụ”, đại diện MM Mega Market nói.
Đại diện siêu thị Satra khẳng định tuy giá trị các đơn hàng có tăng so với trước nhưng chưa có dấu hiệu tăng bất thường. Các siêu thị Satra và hệ thống cửa hàng Satrafoods tổ chức cho khách xếp hàng mua bán trật tự, không có chính sách ưu tiên nên dễ dàng nhận ra và ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ.
Tiêu thụ đến đâu, lấp đầy đến đó
Trước tình trạng 3 chợ đầu mối tạm dừng hoạt động, hàng hóa từ các tỉnh đưa về TPHCM gặp trở ngại trong quá trình phân phối, UBND TPHCM đã chỉ đạo lập các điểm trung chuyển nhằm tiếp nhận hàng hóa và kịp thời phân bổ cho hệ thống bán lẻ. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, UBND TP Thủ Đức đã đưa ra phương án điều tiết, phân luồng để tiếp nhận hàng hóa tại 2 bãi xe container 16.500m2. Số lượng hàng trung chuyển về chợ mỗi đêm dự kiến khoảng 1.000 - 1.500 tấn rau củ quả để cung ứng cho các siêu thị, bếp ăn tập thể và các điểm bán tại TPHCM. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, ban quản lý chợ đã trình phương án trung chuyển rau củ quả, tái mở cửa một phần chợ này lên Sở Công Thương và UBND TPHCM. Theo đó, chợ sẽ bố trí bãi tập kết rộng hơn 2.000m2, mỗi ngày trung chuyển khoảng hơn 100 tấn hàng rau, củ quả...
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương, lượng lương thực thực phẩm chuyển về TPHCM trong ngày đạt khoảng 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với ngày 12/7 do đã triển khai xong điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức để đưa hàng hóa về các chợ truyền thống.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM thừa nhận 166 chợ truyền thống ngưng hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn tới việc cung ứng hàng hóa cho người dân. Nguồn hàng cung ứng cho một số nơi bị thiếu (chủ yếu là thực phẩm tươi sống) và chưa được bổ sung kịp thời. Tình trạng này diễn ra khi có một số người đến các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi mua hàng với số lượng lớn dẫn đến thiếu hàng cục bộ do cửa hàng không có kho dự trữ…Để ngăn chặn nạn đầu cơ, tích trữ, Sở Công Thương đã tổ chức lực lượng theo dõi, bám sát tình hình giá cả thị trường và điều phối, cung ứng hàng hóa kịp thời. Sở đã phối hợp với Quản lý thị trường nhắc nhở những trường hợp mua tích trữ nhiều, có dấu hiệu gom hàng và xử phạt các trường hợp vi phạm.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, sau 5 ngày áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, thành phố đã phối hợp với 19 tỉnh Nam bộ, cấp nhận diện tạo “luồng xanh” cho gần 22.000 phương tiện của 41 đơn vị vận tải để ưu tiên vận chuyển, lưu thông hàng hóa. “Sở đã ghi nhận lượng hàng hoá ra vào các cảng biển TPHCM khoảng 45.000 tấn/ngày và hàng hoá vận chuyển đường thuỷ 228.000 tấn/ngày. Nhìn chung, lượng hàng hoá không giảm so với trước đây”, ông Lâm khẳng định.
Trưa 14/7, thông tin về tình hình chống dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết thành phố đã tổ chức khảo sát, đánh giá, đảm bảo điều kiện cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận huyện, TP Thủ Đức. Các điểm bán gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi; 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa… với phương châm: “tiêu thụ đến đâu, lấp đầy đến đó” nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Đầu cơ có thể bị phạt tù
Liên quan đến tình trạng gom hàng giá rẻ, bán lại giá cao, Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM cho rằng, đây là hành vi đầu cơ trục lợi.
Hành vi gom hàng siêu thị ra ngoài bán hưởng lợi sẽ bị xử phạt theo Điều 31 Nghị định 98/2020, với mức phạt từ 5-100 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi đầu cơ hàng hóa có thể bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ (Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015). Tùy vào giá trị đơn hàng để gom bán ra ngoài mà người vi phạm sẽ bị mức phạt tương ứng, tối đa có thể lên đến 15 năm tù trong trường hợp thu lợi bất chính trên 1 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong
Liên kết website
Ý kiến ()