Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:25 (GMT +7)
Ứng dụng tiến bộ khoa học trong trồng trọt
Thứ 3, 22/09/2020 | 09:13:44 [GMT +7] A A
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong trồng trọt đang góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng, từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (Đông Triều) là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Với diện tích trên 1,5ha, Công ty đã đầu tư nhà màng trồng rau thủy canh và ứng dụng phương pháp trồng thủy canh lưu hồi bằng hệ thống máng thủy canh nhập từ Thái Lan, trong nhà màng khép kín.
Thực hiện mô hình này, cây trồng được cách ly mầm bệnh, tránh độc tố từ chất hóa học. Sản phẩm của Công ty nhờ đó đảm bảo chỉ tiêu về ATTP, đến nay đã có mặt tại nhiều hội chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn…
Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào trồng trọt. |
Cùng với Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ khoa học Thái Dương cũng triển khai nhiệm vụ KH&CN phát triển sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới tại TX Quảng Yên, mang lại hiệu quả cao. Với hơn 500m2, mô hình rau hữu cơ của Công ty được thực hiện theo nguyên tắc “6 không” (thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, sử dụng giống biến đổi gen, đất ô nhiễm). Ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, sản phẩm của Công ty luôn đảm bảo chất lượng, đạt năng suất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai trên địa bàn. Tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, qua đó đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), diện tích sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, nhà màng trên địa bàn hiện đạt khoảng 38ha. Trong đó, mô hình này áp dụng tiến bộ kỹ thuật về nước tưới, dinh dưỡng, độ ẩm, ánh sáng để sản xuất đảm bảo chất lượng, khẳng định giá trị kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 79 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trồng trọt với diện tích 918,98ha. Đặc biệt, thực hiện dự án sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo VSATTP vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 10ha na, 10ha vải thiều tại Đông Triều và 10ha vải chín sớm tại Uông Bí. Diện tích trồng được chứng nhận VietGAP có giá trị sản phẩm cao hơn từ 10% trở lên so với các sản phẩm thông thường trên địa bàn, góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng tại các vùng sản xuất trên 20%, riêng thuốc trừ cỏ giảm trên 50%.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có 4 giống lúa được công nhận giống cây trồng mới. Các giống lúa thuần có năng suất cao, ước đạt 22.351ha trong năm 2020 (tăng 236ha so với năm 2017), chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương, thị trường tiêu thụ ổn định, điển hình là: RVT, Bắc thơm, Thiên ưu 08, DDT52,… Nhiều giống rau màu, ăn quả có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao cũng được nhiều địa phương chủ động đưa vào sản xuất, như: Ngô NK6654, NK4300; dong riềng DR1, DR3-10; khoai tây Atlantic; các giống hoa: Lan, ly, tuy líp; cây ăn quả như: Cam V2, cam CS1, thanh long ruột đỏ… Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, ứng dụng KHCN đồng bộ cho hiệu quả cao, như: Vùng lúa chất lượng cao đạt 4.690ha tại Đông Triều; vùng trồng rau an toàn đạt 348ha tại Quảng Yên; vùng trồng vải 972ha tại Uông Bí…
Ứng dụng KHCN trong trồng trọt góp phần nâng cao tỷ trọng, giá trị ngành kinh tế nông nghiệp. |
Với nguyên tắc “trồng cây khoẻ”, tạo ra năng suất cao cho quần thể cây trồng, hạn chế thấp nhất sự xâm nhiễm của dịch hại, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 800ha cấy lúa, trồng rau và cây ăn quả đã ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Theo đánh giá của cơ quan chức năng, ứng dụng IPM, tình trạng sâu bệnh đã hạn chế đáng kể so với những diện tích trồng khác không ứng dụng, mang lại năng suất, sản lượng cây trồng cao, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước...
Ứng dụng KHCN trong nông nghiệp đang góp phần nâng cao tỷ trọng, giá trị của ngành kinh tế nông nghiệp, phát triển vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù địa phương.
Liên Hương
Liên kết website
Ý kiến ()