Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:38 (GMT +7)
Ứng dụng số trong phát triển du lịch
Thứ 3, 02/04/2024 | 08:37:59 [GMT +7] A A
Không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ứng dụng công nghệ còn giúp các đơn vị nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch thông minh.
Cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi cách thức hoạt động của thế giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Các ứng dụng công nghệ được đưa vào sản phẩm du lịch như đặt phòng qua app, check-in tự động... góp phần giúp trải nghiệm của du khách thêm hấp dẫn, đồng thời tạo tạo động lực để các doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh doanh hiện đại hơn.
Nâng cấp và thiết kế sản phẩm du lịch ấn tượng
Theo thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ khách du lịch nội địa đặt phòng khách sạn và tour trực tuyến đạt hơn 60%, còn khách quốc tế là trên 75%. Việc đặt phòng thông qua các ứng dụng công nghệ đã phổ biến hơn với du khách nội địa lẫn quốc tế.
Bên cạnh ứng dụng vào các dịch vụ lưu trú, di chuyển, nhiều địa phương cùng doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam cũng nỗ lực đưa công nghệ vào sản phẩm du lịch.
Phát huy vai trò là trung tâm kinh tế và điểm đến hấp dẫn, TP.HCM tiên phong ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên cả hai nền tảng Android và iOS, triển khai công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch để tái hiện sinh động không gian thành phố trên cao, mang đến cho du khách những trải nghiệm trực quan, hấp dẫn.
Ngoài ra, thành phố còn cập nhật loạt tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map, tạo “Bản đồ tương tác thông minh 3D/360 TP.HCM” mang lại hiệu quả cao, tiếp cận dễ dàng với du khách.
Kết hợp dữ liệu số về giao thông và du lịch cùng sở thích của du khách, dịch vụ tham quan bằng xe bus hai tầng của TP.HCM thiết kế các tour tuyến phù hợp, thanh toán online, tích hợp Wi-Fi miễn phí và thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ.
Cùng với TP.HCM, Hà Nội cũng tiên phong ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... là các điểm đến nổi tiếng đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin, giúp du khách tiếp cận nhanh chóng.
Tận dụng công nghệ quảng bá hình ảnh
Công nghệ mang đến nhiều bước tiến, không chỉ làm mới sản phẩm du lịch mà còn thay đổi cách du khách lên kế hoạch du lịch. Thông tin này được chỉ ra bởi báo của Statista. Cụ thể, du khách sẽ dành nhiều thời gian để tìm cảm hứng, ý tưởng và xem đánh giá về địa điểm mà họ muốn đến.
Nguyên nhân này khiến tiếp thị số trở thành chìa khóa quan trọng để các địa phương, đơn vị lữ hành tìm ra chiến lược quảng bá hiệu quả.
Là một trong những doanh nghiệp lữ hành có chiến lược marketing bài bản, Oxalis Adventure là đơn vị đạt được nhiều thành công, hiệu quả trong quảng bá, xây dựng thương hiệu, dịch vụ chất lượng thu hút lượng lớn du khách.
Tận dụng lợi thế thiên nhiên của Quảng Bình, Oxalis Adventure đã thành công khai thác nhiều sản phẩm du lịch phù hợp xu hướng. Kết hợp chiến lược truyền thông được đầu tư dài hạn, đơn vị thu hút hơn 15.000 khách/năm với hơn 4,5 triệu lượt tiếp cận thông tin.
Bên cạnh nhiều kết quả đã đạt được, không thể phủ nhận du lịch Việt vẫn còn nhiều việc phải thực hiện nếu muốn trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn. Trong “Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030”, Sở Du lịch TP.HCM chỉ ra thực trạng ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch vẫn còn nhỏ, lẻ, thiếu sự đầu tư bài bản và toàn diện. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội thu hút du khách quốc tế của du lịch Việt.
So sánh với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có nhiều lợi thế về thiên nhiên, văn hóa lịch sử để thu hút du khách quốc tế, song lượng khách nước ngoài vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo số liệu thống kê mới được đưa ra của Seasia.stats, trong “cuộc đua” đón sóng du lịch năm 2023, Malaysia là quốc gia có lượng khách quốc tế cao nhất với 29 triệu lượt. Bám sát phía sau là Thái Lan với 28 triệu lượt khách, quốc gia đứng thứ 3 là Singapore với 13,6 triệu lượt. Việt Nam ở vị trí thứ 4 khi thu hút 12,6 triệu du khách quốc tế trong năm 2023.
Lý do của việc ứng dụng công nghệ còn thiếu đồng bộ, nhỏ lẻ xuất phát từ việc các đơn vị kinh doanh trong ngành chưa nhận thức đủ và thiếu kiến thức cũng như công cụ để áp dụng vào thực tiễn. Chưa kể, các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng đầu tư cho nền tảng công nghệ không lớn, dẫn đến sự tiếp cận còn nhiều hạn chế. Các đơn vị và địa phương cũng chưa kết nối dữ liệu trực tuyến dùng chung.
Để góp phần giải quyết bài toán này, hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức sẽ mang đến cái nhìn toàn diện và hướng dẫn ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm du lịch, marketing sản phẩm... cho các đơn vị tham gia.
Hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới” do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Oxalis Adventure tổ chức sẽ diễn ra vào 4/4, được livestream trên YouTube Sở Du lịch TP.HCM và dẫn lại trên Tạp chí Tri thức - Znews.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()