Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:33 (GMT +7)
Ứng dụng mạng xã hội trong đảm bảo ANTT
Thứ 4, 14/12/2022 | 13:57:45 [GMT +7] A A
Nhờ có khả năng lan tỏa thông tin nhanh, liên kết được nhiều người cùng lúc, tạo môi trường tương tác thuận tiện..., mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động học tập, nghiên cứu, kinh doanh hiện đại... Những tính năng ưu việt này cũng đã được khai thác, ứng dụng vào công tác giữ gìn ANTT, nâng cao hiệu quả phòng chống tệ nạn xã hội.
Hơn 2 năm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ và nhân dân thôn Tán Trúc Tùng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) luôn sử dụng hiệu quả mạng xã hội zalo để chia sẻ thông tin nhanh chóng, góp phần đáng kể vào thành quả giữ vững địa bàn an toàn. Đến nay, đây vẫn tiếp tục là kênh thông tin liên lạc nhanh chóng, hằng ngày, hàng giờ kết nối các gia đình trong thôn.
Anh Chìu A Sám, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tán Trúc Tùng, cho biết: Người dân trong thôn sử dụng điện thoại di động thông minh ngày càng nhiều. Điều kiện kinh tế được nâng lên, có sóng điện thoại và wifi đầy đủ không khác gì các địa phương miền xuôi, nên hầu như mỗi người lớn đều có 1 chiếc điện thoại, cài đặt đầy đủ các ứng dụng cần thiết.
Mọi công việc chung của thôn giờ chỉ cần một tin nhắn là ngay lập tức lan tỏa đến từng người, từng nhà, thay vì cách làm truyền thống là thông báo miệng hoặc đọc trên loa truyền thanh cơ sở còn nhiều hạn chế. Thông tin nhanh, thuận tiện càng phát huy hiệu quả trong các trường hợp tuyên truyền về tình hình ANTT cơ sở, cảnh báo thủ đoạn tội phạm, tiếp nhận thông tin tố giác, khiếu nại của nhân dân...
Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa như thôn Tán Trúc Tùng, việc ứng dụng mạng xã hội trong đảm bảo ANTT đã dần trở nên quen thuộc, thì đối với những vùng trung tâm lại càng thuận tiện hơn. Thực tế những năm gần đây trên địa bàn tỉnh, việc thành lập các mô hình thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên nền tảng mạng xã hội zalo, facebook đã trở thành một xu hướng. Sự phát triển của công nghệ đã giúp những hoạt động tương tác hai chiều, trao đổi thông tin ngày càng thêm nhanh chóng, góp phần nâng cao hiệu quả các mô hình ANTT tại địa bàn dân cư.
Hơn 2 năm qua, Công an phường Hải Hòa (TP Móng Cái) đã tham mưu Đảng ủy phường chủ trì thành lập mô hình “Kết nối giữa cảnh sát khu vực với nhân dân trên các trang mạng xã hội phục vụ công tác quản lý hành chính, trật tự đô thị và cung cấp thông tin về ANTT để phòng, chống tội phạm”. Trong đó, lực lượng công an tăng cường kết nối với người dân trên địa bàn bằng việc lập các nhóm mạng xã hội, là nơi mọi người dân đều có thể phản ánh tình hình khu dân cư nơi mình cư trú, nói lên những vấn đề bức xúc để được quan tâm xử lý dứt điểm. Bao gồm những vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ giữa các hộ dân, tình hình vi phạm ANTT, ATGT, dấu hiệu tệ nạn xã hội, thông tin tạm trú tạm vắng... Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin pháp luật cũng thuận tiện hơn, khi người dân có thể truy cập đọc thông tin ngay trên điện thoại cá nhân của mình.
Ông Vũ Đình Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hải Hòa, cho biết: Từ đánh giá của Công an phường và ghi nhận ý kiến phản ánh trong nhân dân cho thấy, mạng xã hội đã và đang là kênh thông tin quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn. Nhiều thông tin về các đối tượng trộm cắp vặt, đánh bạc, gây gổ mất trật tự được nhân dân phản ánh qua các nhóm đã được lực lượng chức năng tiếp thu, xử lý kịp thời.
Ứng dụng mạng xã hội vào công tác đảm bảo ANTT là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chính thống, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Tháng 4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1310/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, bao gồm riêng 1 chương về những chuẩn mực ứng xử trên mạng xã hội cho từng nhóm đối tượng: Cá nhân; CBCCVC và NLĐ trong cơ quan nhà nước; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ mạng xã hội; cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng mạng xã hội và cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, quản trị mạng xã hội.
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()