Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:24 (GMT +7)
Kỹ thuật ECMO cứu sống người bệnh
Thứ 6, 25/02/2022 | 09:42:22 [GMT +7] A A
Nhằm tăng khả năng cứu sống các bệnh nhân nặng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng thành công kỹ thuật ECMO, đồng thời đào tạo được nhiều kíp bác sĩ làm chủ kỹ thuật ECMO.
Extracorporeal Membrane Oxygenation (ECMO) là phương pháp “Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”, cấp cứu hô hấp tuần hoàn khi tim, phổi không thể hoạt động bình thường. Đây là kỹ thuật cao, mới và phức tạp nhất cho đến thời điểm hiện nay của chuyên ngành Hồi sức cấp cứu. Tại Việt Nam, kỹ thuật này mới được áp dụng, triển khai thành công tại một số trung tâm hồi sức tuyến Trung ương, chưa phổ biến với các bệnh viện tuyến tỉnh.
Hằng năm có hàng nghìn lượt bệnh nhân nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc - Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong đó, nhiều bệnh nhân nặng suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp tính nguy kịch, không đáp ứng với các biện pháp hồi sức cấp cứu thông thường, nguy cơ tử vong cao. Đây cũng là những trường hợp gần như không có khả năng vận chuyển đi tuyến trên để điều trị do sự sống của người bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của máy thở, máy lọc máu và phải sử dụng các thuốc vận mạch, trợ tim liều cao... Trước thực trạng đó, năm 2018, một nhóm nghiên cứu của Bệnh viện đã áp dụng thí điểm kỹ thuật ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc - Thận nhân tạo, với mục đích tăng khả năng sống cho các bệnh nhân nặng mà trước đây gần như không qua khỏi.
ThS.BS Đặng Thị Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chủ nhiệm Đề tài ứng dụng kỹ thuật ECMO trong hỗ trợ tim và phổi cho bệnh nhân nặng, cho biết: Có hai cách để thiết lập hệ thống này là ECMO tĩnh mạch - động mạch để hỗ trợ cả tim lẫn phổi và ECMO tĩnh mạch - tĩnh mạch để hỗ trợ phổi. Cả hai cách này, máu được đưa ra khỏi cơ thể người bệnh (bằng một bơm li tâm) từ tĩnh mạch qua màng lọc có chức năng như phổi của con người, màng lọc sẽ gắn kết máu với oxy trước khi trả lại về tĩnh mạch để đi vào cơ thể. Tương tự, việc lấy máu từ tĩnh mạch qua hệ thống màng lọc và được trả về động mạch đối với những trường hợp cần hỗ trợ tuần hoàn (hỗ trợ tim). Dòng tuần hoàn này không chỉ giúp người bệnh đảm bảo được lượng oxy trong máu, mà còn giúp giảm gánh nặng cho tim hoặc phổi của người bệnh vốn đang bị tổn thương liên quan đến thở máy. Đặc biệt, việc áp dụng thành công kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giúp các bác sĩ nắm được "thời gian vàng trong cấp cứu", giúp cho các bệnh nhân nặng có cơ hội sống cao hơn so với trước đây.
"Để triển khai kỹ thuật ECMO đòi hỏi cơ sở y tế phải có sự phát triển đồng đều ở tất cả các chuyên khoa cũng như hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để có thể vận hành thuần thục các thao tác của kỹ thuật này" - ThS.BS Hà Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết thêm.
Từ năm 2018 đến nay, với ECMO, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cứu sống hơn 10 ca bệnh nhân nặng, đồng thời đào tạo được 5 kíp bác sĩ chuyên nghiệp có thể đáp ứng tốt yêu cầu kỹ thuật này. Đây được xem là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng, ngành Y tế tỉnh nói chung, mang lại hy vọng cho những bệnh nhân suy hô hấp và suy tuần hoàn nặng trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm tải cho tuyến trung ương. Đề tài nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa giành giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII, năm 2020-2021.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()