Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:15 (GMT +7)
Ứng dụng kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe sinh sản
Thứ 3, 18/09/2018 | 14:40:03 [GMT +7] A A
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là bệnh viện chuyên khoa hạng II, đồng thời là cơ sở chịu trách nhiệm cao nhất trên địa bàn tỉnh về khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong lĩnh vực sản - phụ khoa, nhi khoa. Nhất là trong lĩnh vực sản - phụ khoa, Bệnh viện đã phát triển nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu nhằm chăm sóc sức khỏe sinh sản, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là đơn vị thứ 27 trong cả nước triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). |
Giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ em
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CKII Trần Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc về sản - phụ khoa cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Bệnh viện đã luôn chú trọng cập nhật kiến thức mới và đầu tư trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, điều trị. Cùng với đó, chúng tôi luôn xác định phải phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật khó giúp cho người bệnh có thể yên tâm điều trị ngay tại tuyến dưới mà không phải lên các bệnh viện tuyến trên.
Trong lĩnh vực sản khoa, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị vô sinh là kỹ thuật khó nhất nhưng đến nay Bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đánh dấu bước phát triển của ngành Y tế Quảng Ninh trong điều trị vô sinh hiếm muộn, đem lại nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng muộn đường con cái trong và ngoài tỉnh. Tháng 11/2017, Bệnh viện chính thức đón em bé đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Bệnh viện là trung tâm IVF 27 của cả nước được chuẩn bị chu đáo về nhân sự, điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đầu tư xây dựng quy trình kỹ thuật, vận hành, kiểm tra và kiểm soát chất lượng toàn bộ các khâu từ lâm sàng đến Labo đảm bảo tiếp nhận làm chủ công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm trong điều trị vô sinh hiệu quả. Ngày 15/11/2017, Bộ Y tế đã thực hiện thẩm định cấp phép hoạt động cho Khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đến nay, kỹ thuật IVF đã trở thành kỹ thuật thường quy, với tỷ lệ thành công khoảng 40%.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước được trang bị máy giải trình tự gen thế hệ mới để thực hiện kỹ thuật sàng lọc di truyền phôi trước làm tổ trong điều trị vô sinh bằng IVF. |
Để điều trị thụ tinh trong ống nghiệm đạt kết quả cao, bảo đảm cho ra đời một thế hệ khỏe mạnh về thể lực, tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng dân số, Bệnh viện đã tiếp tục nghiên cứu ứng dụng những phương pháp mới, hiệu quả ưu việt để lựa chọn phôi có bộ gen khỏe mạnh. Từ tháng 4/2018, Bệnh viện đã làm chủ phương pháp sàng lọc di truyền phôi trước làm tổ trong điều trị vô sinh bằng IVF. Qua đó giúp cho bản thân đứa trẻ, gia đình, xã hội tránh được những dị tật bẩm sinh. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Diệp Minh Quang, Khoa Hỗ trợ sinh sản, cho biết: Đây là một khâu trong quy trình của thụ tinh ống nghiệm để sàng lọc phôi bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể. Để thực hiện được kỹ thuật này, Bệnh viện đã cử 3 bác sĩ, kỹ thuật viên đi đào tạo tại Trung tâm Xét nghiệm và tư vấn di truyền GENTIS (Hà Nội). Đồng thời Bệnh viện cũng được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, trong đó có máy giải trình tự gen thế hệ mới - là bệnh viện tuyến tỉnh duy nhất trong cả nước sử dụng máy này.
Ngoài ra, Bệnh viện cũng tiếp tục mở rộng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật di truyền trong chẩn đoán trước sinh. Tức là chẩn đoán tình trạng của phôi thai trước khi trẻ được sinh ra. Ở tuần thai thứ 10, các thai phụ sẽ được sàng lọc trước sinh (Double test, triple test, siêu âm…), nếu trường hợp nguy cơ cao thì sẽ được chẩn đoán trước sinh với kỹ thuật di truyền. Với kỹ thuật này, bác sĩ có thể sàng lọc, phát hiện sớm những phôi bất thường về mặt di truyền nhằm loại bỏ, qua đó giảm trực tiếp tỷ lệ thai nhi mắc các dị tật di truyền. Với tính ưu việt của phương pháp này, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định cho phép Bệnh viện Sản Nhi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật di truyền trong chẩn đoán trước sinh”, được thực hiện từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2020. Chủ nhiệm đề tài do bác sĩ CKII Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cùng các cộng sự thực hiện.
Phôi thai được theo dõi bằng các phần mềm CNTT. |
Bác sĩ CKII Trần Thị Minh Lý cho biết thêm: Đột biến di truyền là nguyên nhân chính dẫn đến các dị tật bẩm sinh và tử vong ở con người. Tại Việt Nam, một số loại đột biến di truyền có tỷ lệ người mang gen nhiễm bệnh rất cao, như bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia chiếm 10% dân số. Bệnh này cũng chiếm tỷ lệ cao tại Quảng Ninh. Do đó, từ tháng 9/2018, Bệnh viện đã cử 4 y, bác sĩ đi học, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật phát hiện đột biến gen Thalassemia tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Điều trị vô sinh ở nam giới
Bên cạnh đó, trong điều trị vô sinh ở nam giới, Bệnh viện đã thực hiện được kỹ thuật “Chọc hút tinh trùng từ mào tinh” (PESA), kích thích buồng trứng chọc hút noãn (OR), chuyển phôi tươi (ET) và tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) để tạo phôi. Đây là kỹ thuật phổ biến nhất trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, làm tăng tỷ lệ thành công cho các trường hợp vô sinh ở nam giới do nhiều nguyên nhân.
Nhờ có trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã triển khai được nhiều kỹ thuật trong điều trị vô sinh. |
Cũng điều trị bệnh vô sinh ở nam giới, Bệnh viện tiếp tục nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE). Đơn cử là trường hợp người bệnh Nguyễn Hoàng P. (28 tuổi), thường trú tại phường Phong Hải, TX Quảng Yên, đã vô sinh 7 năm, qua kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy, bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch. Các bác sĩ Bệnh viện đã chỉ định phương pháp phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE) cho bệnh nhân do trước đó bệnh nhân đã được chọc hút mào tinh tìm tinh trùng (PESA) 2 lần nhưng đều không thu thập được tinh trùng từ mào tinh. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 45 phút, bệnh nhân đã thu thập được tinh trùng từ tinh hoàn và tiến hành trữ đông lạnh mẫu tinh trùng ở nhiệt độ -196 độ C để phục vụ cho thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Nhằm nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả kỹ thuật này, Sở KH&CN đã phê duyệt nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở cho đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp trích tinh trùng từ tinh hoàn và mào tinh ở những bệnh nhân vô tinh trong điều trị vô sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh”, thực hiện từ năm 2018-2019. Chủ nhiệm đề tài là bác sĩ CKI Đỗ Duy Long, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, cùng các cộng sự thực hiện.
Nguyễn Hoa
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()