Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:19 (GMT +7)
Ứng dụng KHCN trong ngành Than
Thứ 5, 11/04/2024 | 11:42:58 [GMT +7] A A
Nhờ áp dụng hiệu quả các giải pháp KHCN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có bước chuyển mình hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.
Tháng 10/2023, Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin đưa vào hoạt động công trình đào lò cơ giới hóa việc vận chuyển người, vật tư, thiết bị dự án giếng Vàng Danh mức -175m. Đây là công trình trọng điểm trong năm 2023 của đơn vị, nhằm lắp đặt các thiết bị cơ giới hóa việc chở người và thông gió, vận chuyển phục vụ cho công tác đào lò, khai thác các vỉa than trong khu I giếng Vàng Danh mức -175m. Ngoài việc cải thiện điều kiện làm việc, rút ngắn thời gian đi lại cho công nhân, công trình còn tạo điều kiện để nâng cao năng lực vận chuyển và thông gió từ mức -175m lên mức +0 (mặt bằng), giảm tải cho các đường lò hiện có, đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng khai thác than tại khu vực giếng Vàng Danh mức -175m.
Cũng trong năm 2023, Công ty CP Than Vàng Danh có 2 đề tài vinh dự được ghi vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam, gồm: Đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt, đưa hệ thống điều khiển tự động đóng/mở ghi đường sắt phòng nổ vào sử dụng trong hầm lò và Đề tài nghiên cứu, thay đổi công nghệ khấu không để lại trụ bảo vệ cho các lò chợ ZRY. Thực tế triển khai cho thấy giải pháp điều khiển đóng/mở ghi đường sắt từ xa đã mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị. Năng suất vận tải của các phương tiện được nâng lên, sức lao động thủ công của người thợ giảm. Đặc biệt, công tác an toàn trong quá trình vận tải đường sắt của đơn vị được cải thiện đáng kể so với thời gian trước.
Hay như tại Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin, để phục vụ sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về sản lượng than theo kế hoạch Tập đoàn đề ra, ngay từ đầu năm 2024, đơn vị đã chủ động các phương án điều hành, tăng cường biện pháp kỹ thuật, công nghệ mỏ. Nhằm nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt lò chợ giá thủy lực liên kết xích thứ 4 tại lò chợ số 2 vỉa K8 - cánh đông. Dự kiến, lò chợ này sẽ được lắp đặt hoàn thiện, bắn phá hỏa trước ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 và chuẩn bị sẵn sàng ra than ngay trong tháng 5.
Để hoàn thành kế hoạch, đơn vị tiếp tục duy trì các biện pháp điều hành sản xuất, kỹ thuật công nghệ phù hợp; tăng sản lượng tối đa lò chợ cơ giới hóa, lò chợ giá khung xích và các lò chợ có công suất cao để tham gia vào tăng sản lượng chung toàn đơn vị…
Cùng với ứng dụng KHCN trong sản xuất, các đơn vị cũng tích cực ứng dụng trong bảo vệ môi trường. Việc xử lý nước thải tập trung ở tất cả các đơn vị khai thác than luôn được chú trọng với công nghệ ngày càng hiện đại. Nước thải mỏ sau xử lý và xả ra môi trường đều đạt tiêu chuẩn và có thể tái sử dụng một phần vào hoạt động sản xuất của các mỏ. Điều này không chỉ giúp TKV làm tốt công tác môi trường mà còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước.
Thời gian qua, ngành Than đã đẩy mạnh nghiên cứu KHCN trên toàn bộ các lĩnh vực: Thăm dò, khảo sát, đánh giá điều kiện địa chất, khai thác, chế biến sử dụng than và các loại khoáng sản, nâng cao năng lực quản lý, chuẩn hoá các mô hình quản trị doanh nghiệp và tiềm lực KHCN. Ngành từng bước phát triển theo hướng hiện đại hóa cơ khí sửa chữa, phát triển cơ khí chế tạo, làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất được hàng loạt các sản phẩm cơ khí chủ lực phục vụ cho trong và ngoài ngành than: các loại vì chống thuỷ lực, giàn chống, giá chống, giàn mềm; các loại băng tải sử dụng trong ngành mỏ; tời cáp treo chở người, máy xúc; máng cào; tàu điện, khởi động từ, biến áp phòng nổ, khởi động mềm sử dụng trong mỏ hầm lò; phụ tùng thiết bị thay thế phục vụ sửa chữa máy khoan, máy xúc, ô tô… Đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ trong khai thác than theo hướng cơ giới hoá giảm suất tiêu hao nguyên liệu, vật tư, giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn, giảm tỷ lệ tổn thất. Tập trung cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, phủ xanh nhanh và xử lý nước thải mỏ. Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường cho các khu vực sản xuất, lắp đặt các trạm quan trắc tự động liên tục nước thải truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các tuyến băng tải thay thế vận chuyển than bằng ô tô và đường sắt... Các ý tưởng, giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học đều được xem xét công nhận, áp dụng vào sản xuất. Hàng nghìn sáng kiến được ứng dụng góp phần quan trọng giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động và làm lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho TKV nói riêng và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Năm 2023, bên cạnh các nhiệm vụ KHCN chuyển tiếp từ các năm trước, Hội đồng Thành viên của TKV đã phê duyệt nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí là 51,016 tỷ đồng; nghiệm thu và công nhận kết quả thực hiện của 36 nhiệm vụ KHCN thuộc kế hoạch của giai đoạn 2021-2022. Hiện TKV cũng đã xây dựng kế hoạch KHCN năm 2024 trình UBND tỉnh ban hành.
Việc ứng dụng các kết quả của nhiệm vụ KHCN đã và đang góp phần thay đổi về kỹ thuật, công nghệ theo hướng hiện đại, tăng năng suất lao động, cải thiện công tác an toàn, môi trường và vệ sinh công nghiệp, khai thác và thu hồi tối đa tài nguyên (than, khoáng sản) nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV và các công ty con, đơn vị trực thuộc. Kết thúc quý I/2024, các chỉ tiêu sản xuất chính của TKV đạt 25% kế hoạch năm, trong đó sản xuất than nguyên khai đạt 9,7 triệu tấn; than thương phẩm 13,4 triệu tấn; than tiêu thụ 12,2 triệu tấn.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()