Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:40 (GMT +7)
Ứng dụng CNTT, AI trong khám, chữa bệnh
Thứ 2, 17/01/2022 | 08:27:45 [GMT +7] A A
Với sự phát triển hiện nay, lĩnh vực Y tế ngày càng có sự hỗ trợ lớn từ CNTT, trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động khám, chữa bệnh và quản lý bệnh viện. Tại Quảng Ninh, ngành Y tế đã có những bước tiến mới nhờ ứng dụng CNTT và AI hỗ trợ nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh lý, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đưa vào ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đột quỵ não cấp cho 1 bệnh nhân nhồi máu não nguy kịch, tiên lượng xấu. Qua thăm khám và ứng dụng phần mềm RAPID, các bác sĩ đã định lượng chính xác phần vùng lõi nhồi máu và vùng tổn thương thiếu máu gây đột quỵ ở người bệnh. Nhờ đó đã kịp thời can thiệp lấy huyết khối, tái thông mạch máu não, cứu sống người bệnh.
Phần mềm RAPID là ứng dụng đánh giá và phân tích hình ảnh tự động về tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ, được FDA của Mỹ thông qua và đang được sử dụng tại nhiều bệnh viện lớn trên thế giới. Hiện Việt Nam là quốc gia thứ 3 ở Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia ứng dụng trí tuệ nhân tạo này. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong 2 bệnh viện ở miền Bắc tiên phong triển khai phần mềm RAPID trong cấp cứu đột quỵ.
RAPID được cài đặt trực tiếp vào máy tính có tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu hình ảnh. Sau khi bệnh nhân chụp CT hoặc MRI, phần mềm RAPID sẽ tính toán xử lý nhanh trong thời gian ngắn (30 giây - 2 phút) và cho kết quả. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ dựa vào đó để chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học cho người bệnh, giúp nâng cao cơ hội phục hồi. Theo bác sĩ CKI Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), với phần mềm RAPID, sẽ thấy được rõ vùng não đã chết và vùng thiếu máu cần cứu sống để đưa ra quyết định can thiệp chính xác, kịp thời nhất, giúp bệnh nhân thêm cơ hội sống, hạn chế di chứng về sau. Phần mềm này đặc biệt hiệu quả cho nhóm bệnh nhân nhồi máu não đến trễ sau 6 giờ, hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ, nhóm này hiện chiếm tỷ lệ rất lớn. Bên cạnh đó, phần mềm cũng hỗ trợ đo thể tích khối máu tụ với những trường hợp xuất huyết não, từ đó bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác để có hướng điều trị phù hợp.
Đây cũng là nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh quan trọng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong giai đoạn 2021-2023, với mục đích nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị đột quỵ não trên địa bàn. Ca đầu tiên thành công là động lực lớn giúp bệnh viện mạnh dạn, tự tin triển khai công nghệ tiên tiến này trong thời gian tới.
Nhiều năm qua, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng hiệu quả CNTT trong thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa với tuyến Trung ương (Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Trung ương...). Ngoài ra, ngành Y tế đã ứng dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe toàn dân, với việc chuẩn hóa các thông tin hành chính, rà soát và thiết lập định danh hồ sơ y tế cho mỗi người dân Quảng Ninh bằng một mã duy nhất. Đồng thời, thực hiện liên thông hệ thống Hồ sơ sức khỏe toàn dân với hệ thống BHXH Việt Nam, hệ thống tiêm chủng quốc gia, dữ liệu khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, sổ sức khỏe của Bộ Y tế.
Qua đó, giúp ngành Y tế nắm rõ thông tin sức khỏe của từng người dân trong tỉnh, chủ động lên kế hoạch và triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch, ngành đã chủ động nắm rõ tình hình sức khỏe của người dân để kịp thời quản lý sức khỏe từng người dân, nhất là đối tượng người già có bệnh lý nền. Đồng thời, là cơ sở để tỉnh triển khai an toàn, hiệu quả các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân có chỉ định tiêm chủng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.117.003/1.122.381 người, đạt 99,52% người được tiêm chủng.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã phối hợp triển khai các bộ công cụ chống dịch quốc gia (Tiêm chủng Covid-19, khai báo y tế, báo cáo an toàn Covid-19…) và thí điểm một số phần mềm quản lý trong công tác chống dịch (Hệ thống lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; hệ thống đăng ký khám chữa bệnh online…). Ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai nâng cấp các phần mềm quản lý thông tin bệnh viện tại các đơn vị, hướng tới hoàn thiện mục tiêu bệnh không giấy tờ, bệnh án điện tử trong giai đoạn 2021-2025.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()