Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:22 (GMT +7)
Ukraine phá vỡ im lặng về mục tiêu đột kích tỉnh Kursk của Nga
Thứ 5, 08/08/2024 | 22:46:51 [GMT +7] A A
Quan chức Ukraine ngày 8/8 đã làm sáng tỏ các mục tiêu của cuộc tấn công bằng đội thiết giáp của Kiev vào tỉnh Kursk ở miền tây nước Nga.
Kênh Telegram Country Politics đưa tin Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak tuyên bố trong một buổi phát sóng truyền hình quốc gia ngày 8/8 rằng cuộc tấn công bất ngờ được tiến hành nhằm nâng cao vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán tương lai với Nga.
Cố vấn tổng thống Ukraine cho biết việc Nga mất lãnh thổ, con người và trang thiết bị sẽ tác động đến các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai với Nga nhằm giải quyết cuộc xung đột toàn diện với Ukraine đã bùng phát từ tháng 2/2022.
Theo ông Podolyak, những bước tiến của Ukraine trên lãnh thổ Nga cũng sẽ khiến người Nga "sợ hãi" và giảm tâm lý ủng hộ của họ đối với nhà lãnh đạo Nga.
Trước đó, đài RT dẫn tuyên bố của quân đội Nga cho biết, sáng sớm ngày 6/8, quân đội Ukraine đã phát động một cuộc đột kích lớn vào Vùng Kursk của Nga, vượt qua biên giới ở nhiều địa điểm. Cuộc tấn công tập trung vào thị trấn Sudzha, nằm cách biên giới khoảng 9 km. Thị trấn, trung tâm hành chính của quận cùng tên, đã liên tục hứng chịu các cuộc tấn công bừa bãi bằng pháo binh và thiết bị bay không người lái.
Theo ước tính của quân đội Nga, có tới 1.000 binh sĩ Ukraine đã tham gia vào vụ tấn công. Lực lượng này đã đột phá qua biên giới bằng cách sử dụng hàng chục phần cứng hạng nặng, bao gồm xe tăng các loại, xe bọc thép chở quân Stryker do Mỹ sản xuất cũng như các xe và thiết bị bọc thép khác.
Theo tập chí Newsweek, hàng nghìn cư dân tỉnh Kursk đã được sơ tán và tình trạng khẩn cấp được ban bố ở khu vực giáp vùng Sumy phía đông bắc Ukraine kể từ khi cuộc đột kích xuyên biên giới được phát động hôm 6/8.
Lực lượng của Kiev được cho là đã chiếm ít nhất 11 khu định cư và cơ sở đo khí đốt Sudzha, nơi chuyển tiếp dòng khí đốt của Nga tới châu Âu.
Sau sự kiện ngày 6/8, Kiev ban đầu né tránh các câu hỏi về mục đích của cuộc đột nhập bất ngờ vào Nga. Tuy nhiên, hai ngày sau, ông Podolyak nói: “Có phải họ đang phản ứng với điều gì khác ngoài nỗi sợ hãi? Không, cuối cùng chúng ta cần phải nhận ra điều này. Nga sẽ coi bất kỳ sự thỏa hiệp nào là điểm yếu”.
Quan chức Ukraine nói thêm: “Bạn chỉ có thể đạt được thứ gì đó, nếu họ hiểu rằng [cuộc chiến] không diễn ra theo kịch bản của họ”.
Trước khi có bình luận của ông Podolyak thì các mục tiêu của Ukraine trong cuộc tấn công Kursk vẫn chưa rõ ràng. Hôm 6/8, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng Washington “sẽ liên hệ với quân đội Ukraine để tìm hiểu thêm về mục tiêu của họ”.
Trong khi đó, các blogger quân sự Nga đã bày tỏ sự bất bình trên Telegram sau cuộc đột kích xuyên biên giới, cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn lực lượng Ukraine tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Một số người gọi tình hình tại hiện trường ở Kursk là "địa ngục" và cho biết cuộc tấn công có thể đã được lên kế hoạch từ lâu.
Blogger Anastasia Kashevarova viết: "Chúng tôi biết rằng Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiến đến tỉnh Kursk. Chúng tôi biết rằng họ đang tập hợp các lực lượng lại với nhau. Chúng tôi biết mọi thứ như thường lệ, những người ở hiện trường đã báo cáo điều đó".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã lên tiếng về vụ đột kích tại Kursk. Ngày 7/8, ông Putin gọi các cuộc tấn công bằng xe bọc thép xuyên biên giới của Ukraine là một "sự khiêu khích quy mô lớn".
“Chúng ta phải bắt đầu với những sự kiện ở khu vực Kursk”, ông Putin nói trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga. “Như các bạn đã biết, chế độ Kiev đã thực hiện một hành động khiêu khích quy mô lớn khác, bắn bừa bãi bằng nhiều loại vũ khí, bao gồm cả tên lửa, vào các tòa nhà dân sự, khu dân cư và xe cứu thương.”
Hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc tấn công Kursk đang diễn ra có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tiềm tàng giữa Ukraine và Nga hay không. Triển vọng đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moskva đã được nêu ra nhiều lần kể từ khi chiến tranh bắt đầu nhưng đều không đạt được tiến bộ.
Điện Kremlin đã nêu rõ một số điều kiện mà họ coi là không thể thương lượng, bao gồm cả việc Ukraine phải chấp nhận việc Nga sáp nhập bốn khu vực của nước này vào tháng 9/2022 - Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia; Ukraine phải từ bỏ mọi kế hoạch gia nhập liên minh quân sự NATO.
Trong khi đó, Ukraine đã tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải vô hiệu hóa việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của nước này vào tháng 9/2022 và Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()