Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:59 (GMT +7)
Ukraine một năm sau xung đột với Nga: Tương lai vẫn bất định
Thứ 5, 23/02/2023 | 22:51:08 [GMT +7] A A
Một năm sau ngày xung đột bùng nổ, hàng triệu người dân Ukraine vẫn lưu lạc xứ người. Trong khi chưa thấy hi vọng đàm phán, năm 2022 kinh tế Ukraine đã suy giảm hơn 30% và ngay từ tháng 9/2022 ước tính cần tới gần 350 tỷ USD để tái thiết nước này.
Ngày 22/2, nghĩa là chỉ còn một hôm nữa xung đột Nga – Ukraine tròn một năm, Tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục hoạt động marathon ngoại giao, điện đàm với lãnh đạo 4 nước, gồm Pakistan, Uganda, Estonia và Anh, mà theo ông là nhằm tăng cường sức mạnh cho Ukraine. Trước đó, ông Zelensky đã có 2 chuyến công du nước ngoài kể từ khi xung đột với Nga bùng nổ, gồm chuyến công du đầu tiên tới Mỹ hồi tháng 12/2022 và chuyến công du châu Âu tới London, Paris và Bruselles.
Những nỗ lực của Ukraine đã mang lại kết quả cụ thể. Theo số liệu mới nhất do Viện Kiel về kinh tế thế giới (Đức) công bố hôm 21/2, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ đến ngày 15/1, Mỹ tổng cộng chi gần 78 tỉ USD viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine. Con số này của Liên minh châu Âu (EU) là 58,56 tỉ USD. Viện trợ từ các tổ chức như Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB) là hơn 14 tỉ USD.
Tuy nhiên, lịch sử thế giới cho thấy mọi cuộc xung đột đều kết thúc trên bàn đàm phán. Giới chức Moskva và Kiev cũng nhiều lần đưa ra nhận định như vậy. Ngay cả Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm 17/2 cũng cho rằng Moskva và Kiev sẽ khó đạt được mục đích quân sự của mỗi nước và cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc trên bàn đàm phán. Nhưng để có được lợi thế trên bàn đàm phán, trước tiên phải giành lợi thế trên chiến trường, nơi con người và vũ khí thể hiện rõ vai trò quan trọng. Dòng vũ khí vì thế cũng đổ ra chiến trường mà ở đây là Ukraine.
Mùa thu năm 2022, khi Ukraine phản công mạnh mẽ và giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Đông, họ đã sử dụng pháo và tên lửa do Mỹ sản xuất, trong đó đáng chú ý là hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS. Nhưng khi Nga di chuyển các trung tâm hậu cần ra khỏi tầm bắn, củng cố các sở chỉ huy và triển khai đạn mồi nhử, HIMARS đã bộc lộ hạn chế và bắt đầu bị tiêu diệt. Trước yêu cầu từ Kiev, phương Tây đã có sự thay đổi mạnh mẽ, chuyển từ việc cung cấp vũ khí tầm ngắn, hạng nhẹ, do Liên Xô cũ sản xuất sang cung cấp các loại vũ khí tầm xa, hạng nặng, do phương Tây chế tạo như xe tăng M1 Abrams, xe tăng Leopards 2, xe tăng Challenger 2; hệ thống phòng không Patriot…
Người Ukraine đã sáng tạo khi gắn những tên lửa tinh vi của Mỹ lên các máy bay chiến đấu cũ của Liên Xô như MiG-29, giúp duy trì hoạt động của lực lượng không quân trong lúc thúc đẩy các nỗ lực để có thể nhận được chiến đấu cơ hiện đại F-16. Nhưng theo kênh CNN hôm 16/1, cuộc chiến ở Ukraine cũng mang đến cho Mỹ và các đồng minh cơ hội hiếm có để nghiên cứu xem các hệ thống vũ khí của chính họ hoạt động như thế nào khi được sử dụng với cường độ cao. Một nguồn tin thân cận với tình báo phương Tây của CNN nhận định Ukraine đã trở thành một phòng thí nghiệm vũ khí theo mọi nghĩa, vì không có thiết bị nào trong số này thực sự được sử dụng trong một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia có nền công nghiệp phát triển. “Đây chính là thử nghiệm chiến đấu trong thế giới thực”, nguồn tin của CNN cho biết.
Dẫu được phương Tây “tiếp sức”, nhưng một năm sau xung đột với Nga, Ukraine vẫn không tránh được thiệt hại nặng nề. Theo tiết lộ với hãng tin BBC ngày 2/2/2022 của cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, kể từ khi xung đột với Nga bùng nổ vào ngày 24/2/2022, ước tính có khoảng 10.000 – 13.000 quân nhân nước này đã thiệt mạng. Đáng chú ý là hồi tháng 6/2022, mỗi này có từ 100 – 200 quân nhân Ukraine tử trận. Bên cạnh thương vong nặng nề, giao tranh còn buộc hơn hàng triệu người đi sơ tán và tàn phá nền kinh tế.
Dữ liệu do Bộ Kinh tế Ukraine công bố hôm 5/1 cho thấy GDP năm 2022 của nước này suy giảm 30,4%, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Ukraine độc lập với Liên Xô vào năm 1991. Riêng về cơ sở hạ tầng, trong một đánh giá chung được công bố hôm 9/9/2022, Chính phủ Ukraine, Ủy ban châu Âu và WB cùng với các đối tác ước tính rằng chi phí tái thiết và phục hồi Ukraine ở thời điểm đó đã lên tới 349 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khi chiến tranh tiếp diễn.
Một năm đã trôi qua, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu về một lối thoát cho cuộc xung đột Nga – Ukraine khi cả hai bên đều nỗ lực hướng đến một chiến thắng quân sự rõ ràng. Ngày 22/2, Chỉ huy Lực lượng thống nhất của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) - Trung tướng Sergei Naev - tiết lộ với nền tảng thông tin Ukrinform rằng Kiev đang chuẩn bị triển khai chiến dịch phản công quân đội Nga. Còn về phía Nga, trong Thông điệp Liên bang đưa ra trước đó một hôm, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định nước ông không thể bị đánh bại trên chiến trường.
Xem ra, cả Moskva và Kiev đều không bày tỏ sẵn sàng tham gia đàm phán hoà bình ở giai đoạn này. Điều đó có nghĩa súng vẫn nổ, bom vẫn rơi và tổn thất về người cũng như tài sản tiếp tục được ghi nhận. Khi những loại vũ khí tầm xa xuất hiện, xung đột leo thang cũng khó tránh.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()