Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:35 (GMT +7)
Ukraine chuẩn bị đàm phán với Mỹ về các đảm bảo an ninh
Thứ 2, 31/07/2023 | 14:00:58 [GMT +7] A A
Ông Andrey Ermak, trợ lý của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết các thỏa thuận an ninh sẽ được giữ nguyên cho đến khi Ukraine gia nhập NATO.
Ngày 30/7, ông Yermak tiết lộ với các phóng viên rằng Ukraine và Mỹ sẽ đàm phán về các đảm bảo an ninh cụ thể trong tương lai của Washington đối với Kiev vào đầu tháng 8.
Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine đã miêu tả các thỏa thuận an ninh là một biện pháp cần thiết cho đến khi Ukraine gia nhập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - điều quan chức trên khẳng định là "sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy nhất”.
Theo ông Andrey Ermak, các biện pháp đảm bảo an ninh cụ thể sẽ được liệt kê trong một thỏa thuận song phương giữa Kiev và Washington. Chúng có liên quan đến hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine cũng như “các biện pháp trừng phạt đối với kẻ gây hấn”.
Trợ lý Yermak cho biết thỏa thuận giữa Kiev và Washington sẽ gồm "các hình thức và cơ chế hỗ trợ được xác định rõ ràng", song không nêu chi tiết về các cơ chế đó.
Theo người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, Kiev kỳ vọng những đảm bảo đó sẽ đem lại cho Ukraine "khả năng giành chiến thắng" trong cuộc xung đột đang diễn ra với Moskva và "kiềm chế" Moskva trong tương lai.
Quan chức trên cho biết thêm các thỏa thuận với Mỹ và những quốc gia phương Tây khác sẽ dựa trên tuyên bố chung do Ukraine và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra tại Vilnius vào giữa tháng 7. Ông tuyên bố "hàng chục" quốc gia khác cũng đã tham gia tuyên bố này.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin rằng thỏa thuận mà Ukraine và các quốc gia G7 đạt được không liên quan đến bất kỳ cơ chế hỗ trợ cụ thể nào mà chỉ là một số thỏa thuận "khung".
Văn bản của tuyên bố tháng 7 nêu rõ rằng các quốc gia G7 sẽ làm việc với Ukraine để thiết lập các cam kết và thỏa thuận an ninh song phương cụ thể, dài hạn, bao gồm: hỗ trợ an ninh với thiết bị quân sự hiện đại; hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine; đào tạo binh sĩ cho Ukraine; cũng như trao đổi thông tin và viện trợ phòng thủ không gian mạng.
Theo thỏa thuận, Kiev sẽ cần "đóng góp tích cực cho an ninh của các đối tác" cũng như tiếp tục các cải cách mà phương Tây yêu cầu.
Cho đến nay, Mỹ và các thành viên G7 khác đều không bình luận về các thỏa thuận an ninh song phương trong tương lai với Ukraine.
Hồi giữa tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moskva không phản đối việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, miễn là an ninh của Moskva không bị tổn hại. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định việc đảm bảo an ninh của một quốc gia không được gây ra mối đe dọa cho an ninh của quốc gia khác.
"Đối với tư cách thành viên NATO của Ukraine, chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng điều đó tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga", Tổng thống Putin nói và nêu rõ đó là một trong những lý do khiến Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo kết quả của hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, các nhà lãnh đạo khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đã nhất trí về gói ba yếu tố nhằm đưa Ukraine đến gần hơn với khối. Yếu tố đầu tiên bao gồm việc tạo ra một chương trình hỗ trợ cho Ukraine để có thể chuyển đổi sang các tiêu chuẩn của NATO.
Yếu tố thứ hai là thành lập Hội đồng NATO-Ukraine, và yếu tố thứ ba liên quan đến việc hủy bỏ kế hoạch hành động thành viên cho Ukraine, điều này sẽ rút ngắn quá trình gia nhập của Kiev. Tuy nhiên, không có lời mời chính thức nào được khối này mở rộng tới Kiev.
Các chuyên gia cho rằng con đường tiến vào NATO sẽ trở nên rõ ràng hơn chỉ khi Kiev thực hiện các cải cách chống tham nhũng và giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, cũng như việc tình hình chính trị ở Mỹ diễn biến theo hướng có lợi cho Ukraine.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()